Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục và dịch cúm gia cầm hiện đã cơ bản được các địa phương ở Hà Tĩnh khống chế. Đây là cơ sở để người dân đầu tư tái đàn, phát triển ngành chăn nuôi.
Dập nhanh cúm A H5N8 lần đầu xuất hiện
Ngày 9/7/2021, nhân viên thú y xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) phát hiện 396 con gà của gia đình anh Trần Đình Nghị (thôn Bắc Hòa) bị ốm với các triệu chứng: gà xoay đầu liên tục, co giật, xuất huyết chân, tím mồng… Xác định số gà này nhiễm bệnh bất thường, ngày 10/7/2021, toàn bộ được đưa đi tiêu hủy.
Ít ngày sau, 1.706 con gà, ngan của gia đình anh Trần Văn Thuần và 1.045 con gà của gia đình chị Trần Thị Lý (cùng thôn Bắc Hòa) cũng ghi nhận các biểu hiện tương tự.
Một mặt, ngành chuyên môn tiến hành tiêu hủy, mặt khác lấy mẫu đi xét nghiệm và cho kết quả số gia cầm này mắc cúm A H5N8 (vào ngày 14/7/2021).
Xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) phun tiêu độc khử trùng, ngăn ngừa mầm bệnh cúm A H5N8 lây lan.
Anh Phan Xuân Đức – nhân viên thú y xã Yên Hòa cho hay: “Tổng đàn gia cầm của xã lớn nhất huyện Cẩm Xuyên với trên 138.000 con. Do vậy, ngay khi hộ đầu tiên ghi nhận gà nhiễm bệnh bất thường, xã đã khẩn trương tiêu hủy theo quy định, tránh mầm bệnh lây lan trên diện rộng. Mặt khác, địa phương tiến hành tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch 1 lần/ngày và phun khử trùng các khu chăn nuôi của toàn xã; lập chốt kiểm soát dịch bệnh, cấm vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm trên toàn địa bàn; vận động các hộ có gia cầm nhiễm bệnh ký cam kết chấp hành nghiêm biện pháp phòng dịch mà cơ quan chức năng khuyến cáo. Nhờ vậy, dịch cúm A H5N8 đã được xã khống chế nhanh và hiệu quả”.
Tiêm phòng vắc – xin giúp tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Từ khi ghi nhận dịch cúm A H5N8 tại Yên Hòa, 22 xã, thị trấn còn lại của huyện Cẩm Xuyên cũng siết chặt công tác phòng dịch trên đàn vật nuôi.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Cúm gia cầm A H5N8 là chủng mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Tĩnh. Phản ứng nhanh với dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành tiêm phòng 100% tổng đàn gia cầm, tiêu độc khử trùng trên diện rộng… Đến nay, xã Yên Hòa đã qua 21 ngày không có gia cầm mắc bệnh, chúng tôi đang làm thủ tục để công bố hết dịch”.
Trước đó, các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Văn (Thạch Hà) cũng ghi nhận dịch cúm gia cầm A H5N6. 9.720 con gia cầm nhiễm bệnh đã được các địa phương tiêu hủy. Ngoài ra, những địa phương có dịch A H5N6 cũng siết chặt các biện pháp tiêu độc khử trùng, lập chốt phòng dịch… Nhờ vậy, các ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Thạch Hà cũng được kiểm soát và đã qua 21 ngày.
Tổng đàn gia cầm của xã Thạch Văn hiện đạt gần 100.000 con.
Ông Bùi Văn Hùng – nhân viên thú y xã Thạch Văn (Thạch Hà) cho hay: “Những tháng đầu năm nay, địa phương ghi nhận dịch cúm A H5N6 trên gia cầm nhưng với quyết tâm dập dịch cao nên từ quý II/2021 đến nay, tình hình chăn nuôi của địa phương cơ bản ổn định. Tổng đàn gia cầm hiện đạt gần 100.000 con, trong đó 98% đã được tiêm phòng vắc – xin”.
Dịch bệnh trên gia súc được khống chế, người dân bắt đầu tái đàn
Vào đầu năm 2021, Hà Tĩnh phải chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu bò. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 126 xã thuộc 13 huyện, thành, thị xã có dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn bị nhiễm bệnh, bị tiêu hủy là 14.920 con; 208 xã của 13/13 huyện, thành, thị ghi nhận dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò; lũy kế có 17.686 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó 2.949 con bị chết.
Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tiêm phòng đàn gia súc trên diện rộng.
Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 3 xã: Cẩm Minh, Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) và Quang Lộc (Can Lộc) có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày và 4 xã: Thạch Châu (Lộc Hà), thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn), Xuân Hồng (Nghi Xuân) và Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên) có trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày.
Đây được xem là tín hiệu tốt để người chăn nuôi Hà Tĩnh chuẩn bị tái đàn.
Chị Trương Thị Huệ (thôn Quốc Tiến, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Dịch bệnh đã được kiểm soát, gia đình tôi chuẩn bị xuất bán 1 con bò thịt và cũng vừa mua thêm 1 con bò nái, 2 con me về nuôi. Để tránh rủi ro, chúng tôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch ngành chuyên môn khuyến cáo”.
Dịch viêm da nổi cục được kiểm soát, gia đình chị Trương Thị Huệ (Cẩm Xuyên) tăng đàn để xuất bán đúng dịp tết.
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: "Để đảm bảo an toàn, người nuôi (nhất là chăn nuôi quy mô nông hộ) cần tiếp tục siết chặt công tác phòng dịch, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại phải thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng hằng ngày; con giống phải đặt mua ở các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy tờ kiểm dịch.
Ngoài ra, nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc; nước uống cho vật nuôi phải bổ sung Vitamin C, B.comlex, chất điện giải để tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Đặc biệt, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh”.
Thu Phương
Nguồn: Báo Hà Tĩnh