(Người Chăn Nuôi) – Dưới đây là nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các loại nguyên liệu khác nhau (dùng làm đệm lót) đến sinh trưởng của gà Tàu vàng.
Bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 3 nghiệm thức (NT):
NT đối chứng (ĐC): 100% trấu + không men vi sinh.
NT trấu: 100% trấu + chế phẩm Balasa N01.
NT bã mía: 100% bã mía + chế phẩm Balasa N01.
Phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau giữa các NT thí nghiệm. Các chỉ tiêu theo dõi gồm khối lượng, tăng trọng, tiêu tốn thức ăn, hệ số chuyển hóa thức ăn, nhiệt độ, độ ẩm và CO2 chuồng nuôi.
Vật liệu thí nghiệm
Giai đoạn 0 – 7 ngày tuổi, gà được úm trên chuồng nền xi măng và sử dụng chất đệm lót từ trấu và bã mía. Lô úm cho gà con có diện tích 1 m2 với 20 con/lô.
Thức ăn: Sử dụng thức ăn hỗn hợp cho gà thả vườn, gà lông màu Native Broiler Starter 1312 (1 – 30 ngày tuổi) của Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam.
Nước uống: Sử dụng nước máy và được trữ lại trong thùng để tránh bụi bẩn.
Chế phẩm vi sinh vật sử dụng để lên men vi sinh vật là sản phẩm Balasa N01.
Chuẩn bị chế phẩm lên men: Lấy 1 kg chế phẩm vi sinh trộn với 5 kg bột bắp, cho thêm 2 lít nước sạch trộn tơi đều, sau đó cho vào thùng đậy kín và để ở chỗ ấm 2 – 3 ngày. 1 kg chế phẩm Balasa N01 dùng cho 40 m2 nền chuồng.
Cách làm đệm lót (Cục Chăn nuôi, 2013b):
Bước 1: Rải trấu hoặc bã mía (tỷ lệ phụ thuộc vào thí nghiệm) lên toàn bộ nền chuồng, độ dày 10 cm, sau đó thả gà vào.
Bước 2: Sau 10 ngày quan sát trên bề mặt chuồng khi nào thấy phân rải kín, dùng cào cào sơ qua lớp mặt đệm lót (cần quây gọn gà về một phía để tránh gây xáo trộn đàn gà).
Bước 3: Rắc đều chế phẩm đã ủ trước lên toàn bộ bề mặt lớp đệm lót.
Cách một vài ngày (tùy lượng phân nhiều hay ít), cào nhẹ trên bề mặt đệm lót một lần để giúp vùi phân và làm cho đệm lót được thông thoáng, thoát mùi do tiêu hủy phân sinh ra. Tránh làm đệm lót bị ướt (nước uống, nước mưa hắt…)
Kết quả
Kết thúc thí nghiệm, tăng trọng trung bình của gà ở NT bã mía (11,8 g/con/ngày) cao hơn NT trấu (11,66 g/con/ngày) và NT ĐC (11,19 g/con/ngày). Trong khi đó, hệ số chuyển hóa thức ăn trung bình của gà ở NT bã mía (1,79) thấp hơn NT trấu (1,89) và NT ĐC (1,94). Nguyên nhân có thể là do ở hai NT bã mía và NT trấu có bổ sung chế phẩm sinh học giúp gà sử dụng thức ăn tốt hơn, ngoài ra đệm lót sinh học cũng cung cấp vi khuẩn có lợi cho bộ máy tiêu hóa của gà.
Hàm lượng CO2 cao nhất ở NT ĐC (327,5 ppm), thấp nhất ở NT trấu (307,50 ppm). Nhiệt độ và độ ẩm không có sự ảnh hưởng giữa các NT. Điều này có thể được giải thích là do trong thành phần của tổ hợp vi sinh vật được đưa vào xử lý đệm chuồng có những chủng có thể sử dụng các khí độc làm nguồn dinh dưỡng cho sự sinh trưởng phát triển của chúng, vì vậy mà góp phần làm giảm nhanh khí độc trong đệm lót.
Lê Loan
(Tổng hợp)