Đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật, trong đó mức hỗ trợ đối với vật nuôi được nâng lên. 

Trước đó, ngày 09/01/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai (Nghị định số 02), dịch bệnh. Sau 6 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 02 đã góp phần giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh. Theo báo cáo của các địa phương và Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí đã triển khai thực hiện Nghị định là hơn 6.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại

Cán bộ thú y tham gia tiêm phòng vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi tại Thái Nguyên. Ảnh: ST

Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, khi áp dụng Nghị định số 02 đã phát sinh những tồn tại, bất cập và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thông qua chủ trương đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng dự thảo Nghị định mới. 

Trong đó, Bộ NN&PTNT đã đề xuất quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống vật nuôi hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thực vật. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai chia làm 5 nhóm:

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 – 30.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 31.000 – 45.000 đồng/con.

Heo đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 500.000 – 600.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 610.000 – 1.500.000 đồng/con; heo nái và heo đực đang khai thác, hỗ trợ 3.000.000 đồng/con.

Bê cái hướng sữa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 – 4.000.000 đồng/con; bò sữa trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 4.100.000 – 12.000.000 đồng/con.

Trâu, bò thịt, ngựa đến 6 tháng tuổi, hỗ trợ 1.500.000 – 3.000.000 đồng/con; trên 6 tháng tuổi, hỗ trợ 3.100.000 – 7.000.000 đồng/con.

Hươu, sao, cừu, dê: Hỗ trợ 1.000.000 – 2.500.000 đồng/con.

Đối tượng được hỗ trợ là các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh. 

Được biết, theo quy định cũ, mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh chưa chi tiết, đang quy định theo khung giá tiền đối với từng loại, vì vậy nếu hỗ trợ ở mức thấp nhất của khung thì đang thấp hơn nhiều so với mức giá đầu vào sản xuất hiện nay (con giống, thức ăn, thuốc thú y…) hoặc so với giá thực tế trong trường hợp người dân bán chạy gia súc, gia cầm khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. 

Trong thực tế, đã có trường hợp các tỉnh áp mức hỗ trợ khác nhau cho cùng một loài vật nuôi, vì vậy người dân giáp ranh các tỉnh sẽ vận chuyển động vật bị bệnh sang tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng giấu dịch làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số loại gia cầm thông dụng chưa quy định hỗ trợ (bồ câu, chim cút…).

Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật của Bộ NN&PTNT vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *