Để mật ong rộng đường xuất khẩu

(Người Chăn Nuôi) – Hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu nước này áp thuế chống bán phá giá thì mật ong nước ta có thể gặp nhiều thách thức về đầu ra.

Rào cản lớn 

Ngày 29/7/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam. Thời kỳ rà soát từ ngày 1/6/2023 đến ngày 31/5/2024 với danh sách dự kiến gồm các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong sang Mỹ. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan tiếp tục cập nhật diễn biến vụ việc; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Cục trong suốt quá trình của vụ việc.

Trước đó, giai đoạn từ tháng 5/2021 đến 4/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam từng phải trải qua giai đoạn khó khăn đặc biệt khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp thuế chống bán phá giá hơn 400% đối với mật ong Việt Nam. Để áp thuế chống bán phá giá cao, DOC căn cứ vào số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ.

chống bán phá giá mật ong

Bộ Thương mại Mỹ thông báo khởi xướng rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam. Ảnh: ST

 Cụ thể, năm 2021, giá xuất khẩu bình quân mật ong của Việt Nam vào Mỹ đạt 1.243 USD/tấn, thấp hơn 422 USD/tấn so với Ấn Độ và thấp hơn 1.935 – 2.011 USD/tấn so với mật ong Agrentina và Brazil. Mức thuế chống bán phá giá cao gấp 4 lần giá xuất khẩu mật ong, đã khiến xuất khẩu mật ong sang Mỹ hoàn toàn ngưng trệ trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2022. Điều đó có nghĩa là, trong suốt những tháng này không có bất cứ một lô hàng mật ong nào từ Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ.

Trong khi đó, châu Âu cũng đặt ra quy tắc bắt buộc về ghi nhãn xuất xứ đối với mật ong nhập khẩu. Đây cũng là một thử thách không nhỏ với các nhà xuất khẩu mật ong vào thị trường này như Việt Nam. Trước những hàng rào ngày càng thắt chặt về thuế, chất lượng, chỉ tiêu môi trường của các nhà nhập khẩu, mật ong Việt Nam như rơi vào thế khó càng thêm khó.

Cần đa dạng hóa thị trường

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, đối với Mỹ, chống bán phá giá là biện pháp thường xuyên áp dụng. Bên cạnh mật ong, Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá như tôm, cá tra, gỗ… Khi bị áp thuế chống bán phá giá, doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết về sản phẩm để xác minh nguồn gốc, xuất xứ, chi phí, nhân lực sản xuất…

Bên cạnh đó, để hạn chế ảnh hưởng từ cơ chế này, ông Chinh cho rằng, cần đa dạng hóa thị trường, không nên chỉ phụ thuộc vào một thị trường, bởi khi kiện chống bán phá giá xảy ra sẽ ảnh hướng lớn đến sản xuất trong nước. “Các ngành hàng nên hình thành thói quen chỉ báo, khi một thị trường vượt quá 50 – 60% cần có sự điều chỉnh. Cùng với đó, cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, có hệ thống sổ sách ghi chép minh chứng quy trình sản xuất”, Phó Cục trưởng Cục Tống Xuân Chinh cho hay. 

chống bán phá giá mật ong

Cơ sở nuôi ong mật của ông Bùi Thanh Dũng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre với khoảng 255 thùng ong trong vườn nhãn, chôm chôm. Ảnh: Nguyễn Dừa

Theo báo cáo của Hội Nuôi ong Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2022, sản lượng mật ong sản xuất tăng đều các năm. Năm 2018 khoảng 49.000 tấn, năm 2021 khoảng 71.000 tấn, tuy nhiên năm 2022 lại giảm xuống còn gần 44.000 tấn do ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá do Mỹ áp dụng đối với Việt Nam từ cuối năm 2021. Bình quân sản lượng mật ong sản xuất trong giai đoạn 2018 – 2022 khoảng 55.000 tấn/năm.

Xuất khẩu mật ong của Việt Nam đạt hơn 47 triệu USD năm 2019; 71 triệu USD năm 2020; 90 triệu USD năm 2021 và 48,5 triệu USD năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính gồm Mỹ, Anh, Indonesia, Canada. Trong đó, xuất khẩu mật ong sang Mỹ chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Từ thực tế cho thấy, việc đa dạng hóa thị trường là nhu cầu cấp thiết. Nước ta có tới 1,7 triệu đàn ong với 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong, hàng trăm công ty chế biến, kinh doanh và xuất khẩu, và khoảng 90% sản lượng mật ong thu hoạch dành để xuất khẩu. Đây vừa là lợi thế, nhưng cũng có thể trở thành áp rất lớn lên sản xuất khi việc xuất khẩu gặp khó. 

Kiểm soát chất lượng

Hiện nay, sản phẩm mật ong Việt Nam đang từng bước giành lại thị trường ở EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điều này cho thấy mật ong Việt đáp ứng các yêu cầu từ các thị trường khó tính, từ truy xuất nguồn gốc đến quản lý hồ sơ lây bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh thiệt hại do chống bán phá giá, kiểm soát chất lượng mật ong cũng là nỗi lo khi nổi lên tình trạng đưa mật ong giả (mật làm từ mía) đem trộn với mật ong thật.

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho rằng, nếu vấn đề này không được ngăn chặn, trà trộn vào hàng xuất khẩu, sẽ tạo ra hệ lụy khó lường, nguy cơ mật ong Việt Nam sẽ bị các nước “đóng cửa”.

Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ 1/2023, đã nêu rõ những quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, Cục Thú y đã hoàn thiện báo cáo Chương trình giám sát ong xuất khẩu năm 2023 và kế hoạch giám sát năm 2024 gửi EU. Thành lập và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ công tác; triển khai kế hoạch và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EU về chuỗi sản xuất mật ong xuất khẩu năm 2024.

 Bên cạnh đó, Cục đã thành lập Đoàn giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất mật ong và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm ong xuất khẩu đợt 1 năm 2024. Cụ thể, kiểm tra và lấy mẫu giám sát đối với sản phẩm ong xuất khẩu của 29 doanh nghiệp trong chương trình giám sát sản phẩm ong xuất khẩu năm 2024. Lựa chọn, đề xuất một số cơ sở chế biến mật ong, cơ sở nuôi ong trong chuỗi sản xuất để hướng dẫn, đưa thanh tra EU đến làm việc. Từ nay đến cuối năm, Cục Thú y sẽ tiếp tục tổ chức triển khai các Chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2024 theo Đề cương đã được phê duyệt, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát sản phẩm ong xuất khẩu. 

Mặc dù việc xuất khẩu mật ong của Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất tồn dư và tiêu chuẩn quốc tế là những yếu tố quan trọng cần được xem xét và giải quyết hiệu quả. Chỉ khi các vấn đề này được khắc phục, ngành nuôi ong của Việt Nam mới có thể phát triển. 

>> Theo Đề án Phát triển bền vững ngành ong đến năm 2030 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 2/4/2024, Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản lượng mật ong ổn định từ 55.000 – 60.000 tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 80% và tiêu dùng nội địa khoảng 20%. Đề án nêu ra 5 nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện bao gồm: Phát triển về giống ong; Xây dựng TCVN về sản phẩm từ ong mật; Phát triển về thức ăn bổ sung, thức ăn thay thế cho ong; Điều tra định kỳ trữ lượng cây nguồn mật phục vụ cho phát triển nuôi ong hàng hóa phục vụ xuất khẩu; Nghiên cứu các phương pháp thụ phấn cho cây trồng bằng cách sử dụng các loài ong khác nhau.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *