Một mùa Xuân nữa lại về mang theo bao ước vọng về một năm mới sung túc. Được nghe câu chuyện của những người nông dân về quá trình khởi nghiệp, vượt khó, vươn lên trở thành những hộ khá, giàu, chúng tôi càng thêm ngưỡng mộ và cảm phục về ý chí, nghị lực và sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của họ.
Không khó để chúng tôi có thể tìm đến trang trại nuôi con đặc sản của anh Đào Xuân Nam, ở Tổ dân phố Sơn Long, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo.
Bên chén trà nóng, anh Nam tâm sự: Trước đây, anh từng làm đầu bếp nên biết đến nhiều món ăn được chế biến từ các con đặc sản. Nhận thấy nhu cầu thị trường về các món ăn đặc sản lớn, năm 2009, anh mạnh dạn bắt tay vào nuôi cầy hương nhưng thất bại do khí hậu địa phương không phù hợp lại thêm chưa có kinh nghiệm chăm sóc.
Không nản chí, sau khi được bạn bè giới thiệu và nghiên cứu tập tính, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, anh Nam quyết tâm khởi nghiệp lại với việc vay vốn nuôi cầy vòi mốc, đem lại thành công ngoài mong đợi.
Từ 20 con giống, đến nay, trang trại của anh có 300 cặp cầy vòi mốc bố mẹ, hơn 100 cầy vòi con được nuôi nhốt.
Trang trại nuôi con đặc sản của anh Đào Xuân Nam cho thu lãi tỷ đồng mỗi năm.
Để tăng thêm thu nhập, tận dụng nguồn thức ăn thừa của cầy vòi mốc, trong trang trại, anh Nam còn nuôi thêm nhím và lợn rừng.
Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/kg cầy vòi mốc và 340 nghìn đồng/kg nhím thương phẩm, trung bình mỗi năm doanh thu hàng tỷ đồng từ bán các loại con đặc sản, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Rời nhà anh Nam, đến thôn Thọ Linh, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, hỏi thăm gia đình ông Đỗ Văn Quyền, một tấm gương nông dân điển hình SXKD giỏi ở địa phương.
Qua tìm hiểu được biết, năm 1986, sau khi rời quân ngũ, ông Quyền nhận giao đất từ chính quyền địa phương và chọn cây bạch đàn để trồng cây, phủ xanh đồi núi trọc. Sau đó, ông vay mượn thêm anh em, họ hàng mua thêm đất của người dân khu vực xung quanh để mở rộng diện tích trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi lợn, gà.
Thời gian ấy, do mới bắt tay vào làm nông nghiệp, vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên năng suất cây trồng thấp, lợn bị nhiễm bệnh, chết nhiều mà không rõ nguyên nhân.
Không ngại khó, ông Quyền quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm nuôi con gì, trồng cây nào để đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do huyện, tỉnh tổ chức và áp dụng vào thực tiễn.
Không chỉ đắp đập làm hồ phục vụ cho việc tưới – tiêu, ông Quyền còn tiến hành đào đường để giúp việc đi lại vào trang trại dễ dàng hơn.
Nhờ đó, năng suất cây trồng tăng, chăn nuôi lợn dần phát triển và từ năm 2007, khi lợn được giá, gia đình ông bắt đầu thu lãi "đậm".
Chăn nuôi có lãi, có vốn đến đâu, ông Quyền tiếp tục đầu tư chuồng trại đến đó, theo hướng khép kín, có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và mở rộng quy mô đàn lợn từ 100 con lên hơn 1.000 con thường xuyên trong chuồng.
Sau "cơn bão" giá lợn xuống thấp mức kỷ lục ở dưới 20 nghìn đồng/kg vào các năm 2016, 2017, từ năm 2019, gia đình ông Quyền chuyển hướng chăn nuôi, liên kết với một công ty chăn nuôi thực hiện nuôi lợn gia công với quy mô hơn 1.000 con.
"Mặc dù lãi ít hơn nhưng bù lại, với hình thức liên kết này, chất lượng giống đầu vào và giá bán ra luôn ổn định. Đặc biệt, trong quá trình nuôi đều có sự giám sát, tư vấn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty nên đàn lợn luôn đảm bảo về chất lượng, sản lượng, giá bán ổn định so với thị trường"- Ông Quyền chia sẻ thêm.
Vốn là người năng động, bên cạnh chăn nuôi, trên diện tích hơn 10 ha đất, nhằm "lấy ngắn nuôi dài", ngoài việc trồng 3 ha cây keo lai, sưa, từ năm 2019, ông Quyền còn trồng hơn 7 ha cây thanh long ruột đỏ, đảm bảo không để diện tích đất bị trống.
Nhờ sự chịu khó học hỏi và nhạy bén với thị trường, đầu tư đúng hướng, liên kết sản xuất theo chương trình "4 nhà", trung bình mỗi năm, gia đình ông Quyền thu lãi hàng tỷ đồng từ mô hình trang trại tổng hợp, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương.
Với ý chí, nghị lực của mình, sau nhiều năm, ông Quyền đã nhiều lần được UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh khen thưởng, đặc biệt năm 2021, ông Quyền đã vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc được tôn vinh và trao tặng Danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Quyền cho biết, năm vừa qua, ông đã liên kết với 10 hộ trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn thành lập HTX thanh long ruột đỏ; trong đó, sẽ tập trung đầu tư thâm canh diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để có quả thanh long có năng suất, chất lượng đảm bảo đủ tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới xây dựng thương hiệu; đưa sản phẩm thanh long của các thành viên có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu.
Mỗi nông dân có một cách nghĩ, cách làm, hướng khởi nghiệp riêng nhưng điểm chung giữa họ là sự bền chí, chịu khó tìm tòi và rất nhanh nhạy với thị trường, biết ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, họ là những tấm gương tiêu biểu trong việc làm giàu "ly nông bất ly hương", góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no!
Bài, ảnh: Lưu Nhung
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc