(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Dấu hiệu nhận biết, cách phòng và trị bệnh bại huyết trên vịt?
(Câu hỏi của Phan Văn, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Bệnh bại huyết trên vịt do vi khuẩn Riemerella anatipestifer gây ra.
Bệnh thường xuất hiện sau ngày mưa kéo dài, thời tiết ẩm ướt. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của vịt. Tuy nhiên, bệnh gặp nhiều ở vịt 1 – 8 tuần tuổi.
Triệu chứng
Bệnh thường xảy ra ở 2 thể:
– Thể cấp tính: Vịt chết đột ngột chưa kịp biểu hiện triệu chứng.
– Thể mãn tính: Vịt sốt cao, ủ rũ, chảy nước mắt, nước mũi, khó thở, vươn cổ lên để thở. Tiêu chảy phân xanh xám. Sưng phù đầu, ngoẹo cổ, đầu cổ bị run, khi đi đầu lắc lư, chân khập khiễng, đi thành vòng. Viêm khớp, đi lại khó khăn. Vịt thường nằm bệt và duỗi chân sau, lông xơ xác và bẩn, lông rụng thành mảng. Nếu bị kích động, chúng chạy loạng choạng một đoạn rồi ngã nhào và nằm ngửa đầu ngoẹo về phía sau, chân đạp trên không (tư thế đạp xe) hoặc bơi thành vòng tròn trên mặt nước. Viêm ống dẫn trứng ở vịt đẻ, bên trong chứa nhiều dịch màu vàng.
Bệnh tích
Tim: Màng tim bị viêm có dịch vàng, bao tim viêm có sợi tơ huyết, màng bao tim màu trắng đục, có dịch thẩm xuất màu vàng.
Gan: sưng to, bề mặt gan xuất huyết hoại tử lấm tấm và phủ một lớp màu trắng đục, gan không bám dính vào các cơ quan khác.
Túi khí: viêm dày lên, đặc, chắc, dai và có màu hơi đục, nhất là các túi khí ở các vị trí gần phổi. Phổi sung huyết và viêm xoang.
Lách: sưng, hơi mất màu.
Vịt đẻ buồng trứng bị vỡ và teo nhỏ lại.
Phòng bệnh
Thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học:
Nhập con giống rõ ràng nguồn gốc từ cơ sở uy tín.
Đảm bảo mật độ nuôi thích hợp.
Tiêm phòng đầy đủ vắc xin cho đàn vịt.
Xây dựng hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi để ngăn chặn người lạ, động vật mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi.
Chú trọng việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường.
Khi thời tiết thay đổi có thể bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, … (Bcomplex, men tiêu hóa, B1, B12,..) để tăng sức đề kháng cho vịt.
Ngoài ra có thể sử dụng một số loại kháng sinh để phòng bệnh (colistin, gentamycin, amoxycyclin,,…) bằng cách trộn thức ăn hoặc nước uống. Liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Điều trị
Xử lý, tiêu hủy vịt chết và cách ly vịt bệnh để điều trị và tránh lây lan.
Sử dụng kháng sinh để điều trị cho toàn đàn. Có thể sử dụng kháng sinh tiêm (cefogen, cetifour,…) điều trị để có tác dụng nhanh.
Bổ sung dinh dưỡng, chất điện giải, giải độc gan thận cho vịt (men tiêu hóa, gluco KC, vitain ADE,…) để vịt tăng sức đề kháng và nhanh hồi phục. Liều lượng, cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vũ Phúc Trường