(Người Chăn Nuôi) – Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, việc chuẩn bị chu đáo cho nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong đó có sản phẩm thịt nhập khẩu sẽ góp phần đảm bảo một cái Tết đủ đầy, an toàn cho mọi gia đình.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 38.000 tỷ đồng để nhập khẩu thịt và phụ phẩm, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Bộ NN&PTNT nhận định, gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 – 15% so với những tháng trước đó. Việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi cũng là một trong những biện pháp giúp đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả dịp Tết.
Sản phẩm thịt nhập khẩu được bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Khánh
Do vậy, để đảm bảo chất lượng thịt nhập khẩu dịp cuối năm, phục vụ cho thị trường Tết Ất Tỵ, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như thúc đẩy sự hợp tác liên ngành giữa các đơn vị có liên quan. Trong đó, Cục Thú y sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán, đề nghị các nước phối hợp trong việc kiểm soát thật chặt sản phẩm của các nhà máy sở tại, theo đó, các nhà máy phải sản xuất theo đúng cam kết và chuẩn quốc tế cũng như quy trình kiểm dịch xuất khẩu sang Việt Nam phải được thực hiện nghiêm túc.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, việc triển khai, tổ chức thực hiện, được làm nghiêm từ khâu đánh giá đến khâu kiểm tra và đưa ra kết quả để đánh giá. “Bất kể lô hàng nào cũng đều phải xử lý nghiêm. Đồng thời, chúng tôi cảnh báo cho nước xuất khẩu cũng như doanh nghiệp nhập khẩu nếu tiếp tục vi phạm sẽ báo cấp có thẩm quyền để dừng nhập khẩu. Còn khi sản phẩm nhập khẩu vào nước ta thì các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi của mình. Không để xảy ra tình trạng nhập hàng kém chất lượng hay hàng sắp hết hạn, đặc biệt là hàng nhiễm các loại mầm bệnh bởi nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ.
Cũng theo ông Long, khi vào đến Việt Nam, các doanh nghiệp phải tổ chức quản lý, phân phối để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, duy trì chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, không chỉ với các cơ quan quản lý Nhà nước mà bản thân các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải có trách nhiệm tự lấy mẫu để kiểm tra, để có thể truy xuất được nguồn gốc, chứng minh chất lượng và sự minh bạch của sản phẩm.
Trong công tác kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhập khẩu trong đó có thịt, Cục Thú y đánh giá cao việc phối hợp liên ngành để tăng tính hiệu quả cho công tác kiểm tra, giám sát. “Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các cơ quan có liên quan, đồng thời đề nghị các đơn vị cũng có chương trình giám sát chất lượng các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường. Việc chuẩn bị chu đáo cho nguồn cung hàng hóa thiết yếu cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm nói chung, thịt nhập khẩu nói riêng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân mà còn góp phần đảm bảo một cái Tết đủ đầy, an toàn cho mọi gia đình”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long bày tỏ.
Dự báo, thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ rất lớn. Do đó, ngay từ đầu quý III/2024, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần chủ động từ sớm, từ xa, cũng như tập trung đẩy mạnh chăn nuôi lợn hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng ngành hàng thịt lợn chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nguồn cung thịt lợn của Việt Nam những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ không tăng đột biến.
Thùy Khánh