“Đảm bảo an toàn dịch bệnh” – yếu tố then chốt đẩy mạnh xuất khẩu

(Người Chăn Nuôi) – Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2024 ước đạt khoảng 533,6 triệu USD, tăng 6,5%. Đóng góp vào kết quả này không thể không nhắc đến vai trò đắc lực của thú y. Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã có những chia sẻ cùng phóng viên Đặc san Người chăn nuôi về nhiệm vụ đặc biệt này. 

Thưa Cục trưởng Nguyễn Văn Long! Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thú y trong việc thúc đẩy tăng trưởng của ngành chăn nuôi?

Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 của Bộ NN&PTNT diễn ra cách đây ít ngày, giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi trong năm 2024 là khoảng 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tổng kết những sản phẩm chăn nuôi để phục vụ làm thực phẩm. Trong khi thực tế ngành thú y còn kiểm soát những sản phẩm động vật sống, động vật làm cảnh với giá trị ước tính khoảng 300 triệu USD. Như vậy, liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thì ngành thú y cũng góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng gần 1 tỷ USD. 

Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của ngành chăn nuôi của nước ta trên thị trường quốc tế?

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nói chung được quốc tế rất quan tâm, trong đó có sản phẩm gia súc, gia cầm. Bởi Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh với nguồn sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chăn nuôi, gia cầm, sản xuất thức ăn, con giống quy mô lớn tại Việt Nam, sản phẩm có tính chất hàng hóa. Do đó, có tính cạnh tranh mạnh về chất lượng cũng như giá thành. Hiện chúng ta đã có những doanh nghiệp đầu tư 500 triệu – 1 tỷ USD cho chuỗi sản xuất nông nghiệp, do đó chúng ta hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế. 

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, nhập khẩu chính ngạch phải đảm bảo quy định, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Thùy Khánh

Thị trường Halal giàu tiềm năng với khoảng trên 2 tỷ dân đang là “điểm đến” lý tưởng của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Vậy, Cục Thú y có những chương trình hỗ trợ nào để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này?

Để xuất khẩu thị trường Halal, chúng ta phải hình thành được chuỗi sản xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình giết mổ đảm bảo được chứng nhận Halal. Chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ thị trường Halal theo từng quốc gia chứ không phải cả khối, vì mỗi quốc gia có yêu cầu và những tiêu chuẩn khác nhau. Đồng thời phải đàm phán về mặt thú y với quốc gia đó, đặc biệt chỉ tiêu Halal phải được phép, cùng với đó là chỉ tiêu dịch bệnh, an toàn thực phẩm và một số yếu tố khác. 

Hiện nay, Cục Thú y đang phối hợp cùng De Heus thực hiện đàm phán một số nội dung để xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang Ả rập Xê út (Trung Đông), Nigeria (châu Phi). 

 Theo ông, đâu sẽ là những áp lực mà ngành chăn nuôi cần hóa giải để việc xuất khẩu diễn ra thuận lợi hơn? 

Hiện nay, ngành chăn nuôi nước ta phát triển rất mạnh với tổng đàn quy mô lớn, và để phát triển ổn định đòi hỏi phải mở rộng thị trường xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện được điều này, trước hết chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ chăn nuôi trong nước, nhất là tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật. 

Mặt khác, nước ta đã là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, tham gia các hiệp định FTA thì cần tuân thủ theo quy định quốc tế. Khi chúng ta đưa ra biện pháp kỹ thuật thì không những phải đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước, mà đồng thời cũng phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quản lý về khoa học kỹ thuật thú y mà các nước đặt ra. Để làm được những điều này, Cục Thú y đã phải nghiên cứu rất kỹ quy định của Tổ chức Thú y Thế giới cũng như các nước, nhằm đảm bảo hài hòa các quy định mà chúng ta đã ký kết, tham gia.

Ngoài ra, chúng ta cần phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc thông qua việc xây dựng các vùng, các cơ sở an toàn dịch bệnh. Bởi an toàn dịch bệnh sẽ không thực sự có ý nghĩa khi phân bố rải rác và thiếu tập trung. 

Đặc biệt, theo tôi là phải chú trọng các sản phẩm, ví dụ như gia cầm nước ta có gần 600 triệu con, đàn lợn khoảng 30 triệu con, trứng trên 19 tỷ quả, đây là những sản phẩm thế mạnh chúng ta tập trung để làm bằng được an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu thời gian tới. 

Bên cạnh đó, cũng cần phải đàm phán về mặt thú y với các nước nhập khẩu. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, đặc biệt giai đoạn đầu các thủ tục bao giờ cũng khó khăn hơn nên cần phải tập trung ưu tiên. Hội nhập quốc tế nhưng cũng đồng thời phải kiểm soát, ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài vào. 

Như ông vừa chia sẻ, bên cạnh xuất khẩu, chúng ta cần kiểm soát chặt nhập khẩu, đặc biệt là nhập lậu. Nhiệm vụ này đã được Cục Thú y triển khai ra sao, thưa Cục trưởng? 

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Chỉ thị, Công điện. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng C05 (Bộ Công an) phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm khác chúng ta cũng siết chặt quản lý. 

Trong việc kiểm soát nhập khẩu vào Việt Nam, chúng tôi cũng siết mạnh thông qua việc tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 04. Do đó, thời gian vừa qua mọi người cũng thấy Việt Nam đã kiểm soát chặt các chỉ tiêu Salmonella. Đây là tác nhân vừa gây bệnh trên người vừa gây bệnh ở động vật và là yếu tố gây mất an toàn thực phẩm. 

Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các cơ quan thực thi ở các cấp phải thực hiện nghiêm. Chính vì vậy, đã phát hiện, xử lý ban hành gần 400 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền xử phạt là khoảng 25 tỷ đồng. 

Chúng ta đảm bảo rằng, các sản phẩm động vật nhập lậu trái phép vào Việt Nam sẽ được ngăn chặn. Nhập khẩu chính ngạch phải đảm bảo theo đúng quy định, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong nước.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng! 

Thùy Khánh

(Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *