Giai đoạn này, Đắk Nông đang chuyển mùa mưa sang mùa khô. Thời điểm giao mùa cũng khiến thời tiết thay đổi, tạo điều kiện để các loại dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Do đó, người dân cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để vật nuôi phát triển hiệu quả, an toàn.
Chủ động phòng bệnh
Gia đình chị Trần Thị Thái, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực (Tuy Đức) nhiều năm liền chăn nuôi dê quy mô vừa. Bình quân trong chuồng gia đình chị luôn duy trì 60 con dê.
Theo chị Thái, trước khi chuyển mùa, gia đình chị đã kiểm tra lại chuồng trại, chuẩn bị bạt để che chắn khi có gió lạnh, nhưng vẫn phải bảo đảm thông thoáng. Chị thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng và khu vực xung quanh chuồng dê để hạn chế nguồn bệnh.
Chế độ cung cấp nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng cho đàn dê cũng được chị thực hiện bài bản, khoa học. Chị tuân thủ đúng thời gian, nguyên tắc của cơ quan thú y trong quá trình tiêm các loại vắc xin cho đàn dê…
“Vào thời điểm giao mùa, quan trọng nhất phải chú ý theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi. Những biểu hiện không bình thuờng như: bỏ ăn, thở khò khè… phải kịp thời tách đàn theo dõi và báo cáo cho thú y ngay”, chị Thái chia sẻ kinh nghiệm.
Gia đình chị Trần Thị Thái, xã Quảng Trực (Tuy Đức) bảo đảm chuồng nuôi dê luôn kín gió, sạch sẽ
Gia đình bà Lê Thị Thắm, xã Đắk Lao (Đắk Mil), thường xuyên duy trì đàn heo hơn 30 con. Vào giai đoạn giao mùa này, bà Thắm đang gia cố lại chuồng trại, bảo đảm an toàn cho đàn heo.
“Thời điểm giao mùa, các đợt gió diễn ra khá mạnh. Gia đình tôi sử dụng bạt để che các cửa chuồng, hạn chế gió lùa. Việc phun thuốc sát trùng, tiêu độc định kỳ 2 lần/tuần để phòng bệnh cho heo cũng được tôi thực hiện đầy đủ”, bà Thắm cho biết.
Tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi
Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 491.450 con gia súc và 2,2 triệu con gia cầm. Trong tỉnh có 337 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại.
Để bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển, các cấp, ngành kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, ngành chức năng triển khai toàn diện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, phủ vắc xin… cho vật nuôi.
Nhiều hộ dân Đắk Mil tăng cường chất dinh dưỡng cho đàn heo trong giai đoạn chuyển mùa
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, vào thời điểm chuyển mùa, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp để bảo vệ vật nuôi trước các loại dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, cúm gia cầm, heo tai xanh, dịch tả heo châu phi, viêm da nổi cục…
Bà con cần che chắn chuồng trại chăn nuôi để tránh gió lùa. Khi nhiệt độ môi trường giảm, cần giữ ấm cho đàn vật nuôi. Công tác vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh không để nước thải ứ đọng… cũng cần được thực hiện thường xuyên.
Đối với các trang trại có quy mô lớn, cần thực hiện nghiêm túc việc đào hố sát trùng, rắc vôi bột ngoài khu vực chăn nuôi. Hàng ngày, cần theo dõi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi.
Trong trường hợp thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường, các cơ sở chăn nuôi phải thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn các biệp pháp xử lý kịp thời.
Về chế độ dinh dưỡng, người chăn nuôi cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Việc thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi cần được tuân thủ theo quy định…
Nguyễn Lương
Nguồn: Báo Đắk Nông