Trước tình trạng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn bò diễn biến phức tạp, huyện Đắk Song đã và đang tập trung tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch.
Tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song), việc tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên đàn trâu, bò được thực hiện nghiêm túc. Xã tổ chức đến từng hộ dân tuyên truyền, thống kê đàn và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh. Đến nay, xã có gần 100% đàn bò đã được tiêm phòng vắc xin.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC trên đàn bò
Ông Nguyễn Văn Năm, phụ trách công tác thú y xã Thuận Hạnh (Đắk Song) chia sẻ: “Ngay khi dịch bệnh xảy ra, xã triển khai tuyên truyền cho người dân qua mạng lưới phát thanh của địa phương. Bản thân tôi đã chuẩn bị thuốc, đến từng gia đình vận động, tuyên truyền về việc phòng trừ loại bệnh này”.
Theo thống kê, huyện Đắk Song có gần 3.000 con trâu, bò. Để tránh thiệt hại do dịch bệnh VDNC gây ra, sau khi nhận 2.275 liều vắc xin Lumpyvac, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện khẩn trương cấp phát cho các xã để tiêm trên đàn trâu, bò. Khi có vắc xin, người chăn nuôi phối hợp với ngành chức năng tiến hành tiêm phòng bệnh cho đàn trâu, bò. Đến nay, toàn huyện có 1.936/2.275 liều vắc xin đã tiêm cho đàn trâu, bò.
Cụ thể tại các xã như sau: Nam Bình 378 liều, Đắk Môl 217 liều, Thuận Hạnh 185 liều, Trường Xuân 318 liều, Thuận Hà 230 liều, Đắk N’Drung 380 liều, Nâm N’Jang 138 liều và thị trấn Đức An 90 liều. Các đơn vị đang tiếp tục phối hợp, khẩn trương triển khai tiêm toàn bộ số vắc xin còn lại cho đàn trâu bò, đặc biệt trên địa bàn xã Đắk Hòa.
Tuyên truyền các biện pháp phòng trừ bệnh VDNC trên đàn bò cho người chăn nuôi
Ông Lê Hồng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Song cho biết: “Trước diễn biến của bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh, địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống và thực hiện tiêm phòng dựa trên thống kê đàn gia súc. Các địa phương trong huyện khẩn trương triển khai tiêm phòng. Đến nay, huyện đã tiêm được trên 90% số lượng vắc xin được phân bổ. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp – PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện dự kiến tổ chức tập huấn cho đội ngũ thú y cơ sở cũng như một số hộ có số lượng chăn nuôi lớn để có phương pháp, hướng điều trị, chăm sóc đàn trâu, bò tốt nhất”…
Tiêm vắc xin phòng bệnh là một trong những biện pháp tối ưu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, người chăn nuôi cần chú trọng cho trâu, bò ăn uống đủ chất dinh dưỡng; thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêu diệt vật trung gian gây bệnh như ruồi, muỗi, ve mòng; tăng cường chăm sóc, quản lý, theo dõi đàn trâu, bò… Khi trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi nhiễm bệnh, người dân phải báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kịp thời điều trị, khoanh vùng dập dịch.
Bài, ảnh: Nguyễn Nam
Nguồn: Báo Đắk Nông