Mùa mưa là thời điểm các loại dịch bệnh trên vật nuôi dễ phát sinh, nhất là dịch heo tai xanh (DHTX). Do đó, người dân, ngành chức năng cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho vật nuôi.
Ngày 20/7/2021, DHTX được phát hiện trên đàn heo của một hộ dân ở thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành (Krông Nô). Dịch bệnh đã làm 3 con heo của hộ này bị chết, phải tiêu hủy. Hộ dân đã trình báo với lực lượng chức năng nhanh chóng thực hiện các biện pháp dập dịch.
Hộ chăn nuôi heo cần thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng nuôi để phòng bệnh
Ngành thú y, chính quyền xã Thân Thành tiến hành tiêu độc, khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy số heo bị mắc bệnh. Đồng thời, tiến hành tiêm vắc xin phòng chống dịch DHTX cho đàn heo của gia đình này.
Đối với gia đình có đàn heo mắc bệnh tích cực chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, theo dõi sát những con heo còn lại. Việc khoanh vùng đàn heo của gia đình được triển khai kịp thời.
Đến ngày 5/8/2021, những con heo còn lại của hộ dân nói trên không phát DHTX, sức khỏe bình thường. Cơ quan chức năng đánh giá, mầm bệnh DHTX cơ bản được khống chế.
Ông Vũ Hoàng Phú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiêp huyện Krông Nô cho biết, bước đầu địa phương đã kiểm soát được mầm bệnh DHTX, không để lây lan diện rộng. Tuy nhiên, đơn vị tiếp tục cử cán bộ chuyên môn trực tiếp giám sát địa bàn để nắm rõ tình hình về dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh nếu có những nguy cơ mới xảy ra.
Theo UBND xã Tân Thành, xã đã sử dụng hệ thống loa truyền thanh thông báo cho bà con biết về sự xuất hiện của DHTX trên địa bàn. Xã tuyên truyền về những biểu hiện của DHTX để bà con nhận biết phòng chống.
Các biện pháp phòng, chống DHTX được xã, lực lượng thú y phổ biến rộng rãi trên địa bàn. Trong đó, địa phương lưu ý bà con tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi, chú trọng các biện pháp chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học.
Khi có heo bị nghi mắc bệnh hoặc chết, người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở, địa phương để được xử lý các biện pháp phòng, chống kịp thời, chính xác. Người dân tuyệt đối không bán heo ốm, mắc bệnh; không vứt xác heo chết ra môi trường để không làm lây lan mầm bệnh. Việc xử lý heo chết do mắc bệnh phải bảo đảm quy định, an toàn, nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đang mưa nhiều, độ ẩm cao, khó khăn cho công tác tiêu độc, khử trùng, dễ làm phát sinh các mầm bệnh trên vật nuôi. Do đó, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, xã phải phân công nhiệm vụ cho thành viên đến từng địa bàn thôn, bon, hộ dân, cơ sở chăn nuôi nắm bắt tình hình dịch bệnh. Lực lượng cán bộ thú y, chính quyền các địa phương cần kịp thời phát hiện mầm bệnh trên vật nuôi, xử lý nhanh gọn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Các địa phương cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các đoàn thể, hội cơ sở trong tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người dân thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng bệnh hiệu quả cho vật nuôi.
>> Heo tai xanh là dịch bệnh hình thành do vi rút, có thể xuất hiện trên bất cứ lứa tuổi của heo và thường lây lan khá nhanh. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ vài ngày đến hàng tháng, sau đó lây lan khắp đàn chỉ trong một tuần.
DHTX thường xâm nhập vào heo khỏe thông qua việc tiếp xúc với heo bị bệnh, theo gió hoặc dùng chung dụng cụ chăn nuôi. DHTX có những triệu chứng như: Heo chán ăn, mất sữa, đẻ non, tiêu chảy, tai có màu tím xanh, da bị phồng rộp, da đỏ… Tỉ lệ heo chết do mắc DHTX có thể lên đến 100%.
Bài, ảnh: Hồng Thoan
Nguồn: Báo Đắk Nông