Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng ưu chuộng các thực phẩm đặc sản, tháng 4/2024, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu (Sơn La), đã triển khai mô hình nuôi vịt cổ xanh. Qua đánh giá bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Mô hình nuôi vịt ở Chiềng La bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Tham gia mô hình có 5 hộ, quy mô 700 con vịt cổ xanh. Quá trình nuôi, các hộ được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt phát triển khỏe mạnh. Theo chia sẻ của các hộ tham gia thì nuôi vịt cổ xanh không đòi hỏi kỹ thuật cao. Sau khi ấp nở, vịt được úm từ 15 đến 20 ngày tuổi thì chuyển nuôi thường. Khi vịt được 60 ngày tuổi sử dụng ngô bột và cám gạo cho vịt ăn để tạo nạc. Đa phần vịt được nuôi theo hình thức bán chăn thả ở các ao, hồ; 100% các hộ tham gia mô hình không nuôi công nghiệp.
Ông Quàng Văn Linh, bản Nưa, nói: Gia đình nuôi 100 con vịt cổ xanh. Sau 4 tháng nuôi, gia đình xuất bán với giá 198 nghìn đồng/con; nếu sơ chế và hút chân không bán có giá là 225 nghìn đồng/con. Nuôi vịt cổ xanh không mất nhiều công và chi phí. Với 100 con, sau trừ chi phí, thu lãi 3 triệu đồng.
Sau khi tham quan, học hỏi, thấy mô hình nuôi vịt cổ xanh hiệu quả, tháng 6, anh Quàng Văn Mạnh, bản Cát Lót, đã đầu tư 100 con vịt cổ xanh giống về nuôi. Anh Mạnh cho biết: Quá trình nuôi, tôi thực hiện nghiêm quy trình tiêm phòng dịch bệnh, nhất là tiêm vắc-xin cho vịt con vào giai đoạn 3 và 7 ngày tuổi. Khi vịt được 30 ngày tuổi, tôi chăn thả ở ao để đàn vịt được bơi lội, tìm kiếm thêm thức ăn như cá, cua, ốc… Trời tối, vịt được lùa về chuồng và cho ăn thêm rau, ngô. Nhờ cách nuôi này, vịt cổ xanh phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn, thịt săn chắc và thơm. Dự kiến tháng 9, đàn vịt sẽ xuất chuồng.
Hỗ trợ người dân trong tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, xã Chiềng La đã thành lập nhóm “Hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản Chiềng La” gồm 10 thành viên do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên xã phụ trách. Theo đó, nhóm tập trung hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật; giám sát quá trình nuôi; quảng bá giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội như zalo, facebook. Nhóm đang phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Qua mã quét, người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình nuôi của vịt bản của các hộ dân ở Chiềng La.
Thời điểm này, các hộ tham gia mô hình đã cơ bản xuất bán hết lứa một và đang vào giống lứa thứ hai. Theo đánh giá của UBND xã, mô hình chăn nuôi vịt bản phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn. Vịt bản Chiềng La có chất lượng thịt ngon được khách hàng đón nhận. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí giống, thức ăn, nhân công… thì 100 con vịt sẽ cho thu lãi 3 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập tăng thêm của hộ dân. Đến nay, ngoài 5 hộ ban đầu, đã có thêm 6 hộ dân đăng ký tham gia nuôi vịt cổ xanh tập trung ở các bản: Song, Cát Lót, Nưa, Chiềng La…
Lãnh đạo xã thăm mô hình vịt ở bản Song.
Ông Lò Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô chăn nuôi. Phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, liên kết theo hướng VietGAP, từng bước đưa vịt bản Chiềng La trở thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, định hướng cho các hộ liên kết đầu tư máy ấp trứng để chủ động con giống, tăng quy mô đàn, góp phần bảo tồn và duy trì nguồn giống bản địa.
Mô hình nuôi vịt bản ở Chiềng La bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng để “thương hiệu” vịt Chiềng La được biết đến nhiều hơn.
Trần Hiền