Đà Nẵng: Triển khai hiệu quả quy định mật độ chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Trong tháng 7, công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi tại Đà Nẵng được triển khai tích cực, nhờ vậy tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát góp phần giúp ngành chăn nuôi của thành phố phát triển.

Duy trì ổn định

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, chỉ tính riêng trong tháng 7/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn thành phố khoảng 26.600 con, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng đàn trâu đạt 501 con, giảm 70,8%; đàn bò đạt 4.500 con, giảm 64,0%; đàn heo đạt 21.600 con, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đàn gia cầm ước đạt 517.800 con, giảm 60,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng tại Đà Nẵng ước đạt 3.995,5 tấn giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2023; Sản lượng trứng ước đạt 25.659.800 quả, tăng 64,1%. So với cùng kỳ, số đầu con hiện có của đàn gia súc, gia cầm tiếp tục có xu hướng giảm.

chăn nuôi Đà Nẵng

Trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: ST

Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi; thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh động vật. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, các loại bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dại được kiểm soát và không xảy ra. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng triển khai vệ sinh tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào cơ sở giết mổ; thực hiện việc tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ theo quy định. 

Di dời khu vực chăn nuôi không đảm bảo

Thành phố Đà Nẵng hiện đang thực hiện nghiêm các văn bản về quy định khu vực nội thành, khu dân cư không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 và Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 về quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. 

Thời gian qua, Chi cục Nông nghiệp phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện của thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thông qua đa dạng hình thức như hệ thống loa phát thanh, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội tại địa phương, tổ dân phố, lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi và hộ nuôi chim yến thuộc khu vực không được phép chăn nuôi, cấp phát tờ rơi, áp phích…

Ông Đặng Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, tại các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, đa số người dân có hoạt động chăn nuôi đồng thuận, hưởng ứng và chấp hành tốt quy định.

Toàn thành phố hiện có 10 hộ nuôi gia súc, gia cầm và 7 hộ nuôi chim yến trong khu vực không được phép chăn nuôi đã ngừng hoạt động và tháo dỡ chuồng nuôi; 62 cơ sở nuôi chim yến trong khu vực không được phép chăn nuôi ký cam kết giữ nguyên trạng, không cơi nới, không sử dụng loa phóng phát âm thanh. Từ nay đến trước ngày 31/12/2024, Chi cục Nông nghiệp Đà Nẵng cùng các địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ/cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi đăng ký, ký cam kết ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. 

Được biết, thành phố Đà Nẵng quy định vùng được nuôi chim yến, nhà yến phải cách khu dân cư tối thiểu khoảng 300m. Riêng một số nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết số 34 có hiệu lực, chủ nuôi phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh. Đồng thời, các cơ sở chăn nuôi đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc ngừng hoạt động từ ngày Nghị quyết số 34 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01/01/2025.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *