Không chỉ năng động, giỏi giang trong làm kinh tế mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Điện (thôn Tân Phước Tây, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) còn nhiệt tình với công tác hội và luôn tích cực tham gia các hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Năng động trong làm kinh tế
Đến trang trại của CCB Nguyễn Đức Điện, chúng tôi gặp ông bên ruộng măng tây đang thời kỳ cho thu hoạch. CCB Nguyễn Đức Điện vui vẻ cho biết, sau khi xuất ngũ, ông rời quê hương Thái Bình đến lập nghiệp tại vùng đất Vạn Phước với nghề làm gạch, ngói mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, với mong muốn chuyển đổi sang làm nông nghiệp nên ông đã thuê của xã 2,5 ha đất tại khu vực hồ Hoa Sơn phát triển sản xuất. Ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Đến năm 2017, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi cá chình, lươn khép kín và đạt được hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi chình, lươn, ông gặp một số khó khăn về chất lượng con giống, tiêu thụ sản phẩm… đã làm giảm hiệu quả mô hình.
Mô hình nuôi vịt siêu thịt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cựu chiến binh Nguyễn Đức Điện.
Với bản lĩnh của người lính, ông không nản lòng, tiếp tục tìm tòi, đi khắp các vùng, miền để học tập mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi mới và ông chọn mô hình trồng măng tây hiệu quả tại Ninh Thuận và Bình Thuận để thử nghiệm. Theo đó, ông đã tiến hành cải tạo đất và bắt đầu trồng từ cuối năm 2019 với diện tích 6.500 m2. CCB Nguyễn Đức Điện cho biết, để cây măng tây phát triển tốt phải cải tạo đất xốp, có phù sa, chịu khó chăm sóc, bón phân hữu cơ cho cây. Măng tây thường cho thu hoạch 3 tháng (tháng 10, 11, 12), mỗi ngày 25 – 30 kg; thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh phía bắc và mang lại thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Cuối năm 2020, ông đưa vịt siêu thịt Grimaud của Pháp về nuôi tại trang trại. Ông cải tạo trại nuôi chình, lươn và xây thêm trại chăn nuôi với tổng diện tích 1,8 ha để nuôi giống vịt siêu thịt. Khu chuồng trại được ông khoanh từng khu riêng theo ngày tuổi của vịt, mỗi tháng ông nuôi 3 lứa với khoảng 9.000 con. Giống vịt siêu thịt có thời gian nuôi ngắn, từ 40 đến 42 ngày là đạt trọng lượng 3kg. Tuy nhiên, vịt không thích hợp với khí hậu nóng ẩm, vì vậy chuồng trại lúc nào cũng phải thoáng, mát. Ông không lo việc tiêu thụ vì đã có đơn vị hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm lợi nhuận ít nhất 10.000 đồng/con. Chất thải của vịt được ông thu gom ủ men vi sinh để bón cho măng tây nhằm giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, lợi nhuận từ các mô hình sản xuất mang lại cho gia đình ông khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, CCB Nguyễn Đức Điện dự định tiếp tục cải tạo trang trại chăn nuôi thêm heo rừng lai, dê và thả nuôi 2.000 m2 ao cá.
Ông Lê Hồng Ngôn – Chủ tịch Hội CCB huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, CCB Nguyễn Đức Điện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi của huyện. Ông là hội viên năng động, mạnh dạn thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất. Nhiều năm liền, CCB Nguyễn Đức Điện được công nhận là CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Hiện nay, các mô hình sản xuất của CCB Nguyễn Đức Điện tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với mức thu nhập hàng tháng ổn định từ 4,5 đến hơn 8 triệu đồng/người. Ông Nguyễn Hữu Thọ (xã Vạn Phước), người làm công cho ông Điện cho biết: “Tôi làm tại trại nuôi vịt, phù hợp với sức khỏe, được trả công 8 triệu đồng/tháng. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định nên cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước”.
CCB Nguyễn Đức Điện còn tích cực tham gia các hoạt động hội, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Gia đình ông đã hiến hơn 200m2 đất thổ cư và vật kiến trúc để mở rộng đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tích cực vận động nhiều hộ gia đình trong khu dân cư di dời hàng rào, hiến đất để làm đường giao thông. Bên cạnh đó, ông còn chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 30 hộ dân địa phương áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Hùng – Chủ tịch UBND xã Vạn Phước đánh giá, thời gian qua, CCB Nguyễn Đức Điện đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới của địa phương thông qua việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, hiến đất làm đường, tạo việc làm cho lao động nông thôn… Qua đó, góp phần đưa xã Vạn Phước từ địa phương đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Thanh Hải
Nguồn: Báo Khánh Hòa