Cục Thú y cần làm rõ kiến nghị của EU liên quan đến kiểm dịch động vật

(Người Chăn Nuôi) – Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) vừa có Báo cáo số 284/BC-SPS-BNNVN gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan liên quan đến Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2024 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn” (gọi tắt là Thông tư). 

Được biết, ngày 22/01/2024, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được công văn số 221/TY-KD của Cục Thú y về việc đăng thông báo dự thảo Thông tư để lấy ý kiến Thành viên WTO. Văn phòng SPS Việt Nam đã hướng dẫn Cục Thú y hoàn thành biểu mẫu theo quy định. Ngày 30/01/2024, Văn phòng SPS Việt Nam đã đăng tải dự thảo Thông tư lên website https://eping.wto.org và đã được Ban thư ký WTO phê duyệt.

Trong thời hạn góp ý, Văn phòng SPS Việt Nam đã chuyển đề nghị gia hạn của 2 Thành viên WTO tới Cục Thú y và đã nhận được công văn đồng ý gia hạn của Cục. Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi góp ý của 4 Thành viên WTO tới Cục Thú y và nhận được 3 công văn tiếp thu, giải trình của Cục Thú y. Theo quy định của Hiệp định SPS/WTO và Thông báo G/SPS/7/Rev.5 của Ban thư ký WTO, thời gian góp ý đối với thông báo dự thảo ít nhất 60 ngày, tuy nhiên, Cục Thú y yêu cầu thời gian góp ý 23 ngày là không đúng với quy định. 

SPS

Theo Thông tư 04, tần suất kiểm tra các mặt hàng tươi sống như thịt, thịt đông lạnh, cơ quan nhập khẩu sẽ kiểm tra từng lô hàng. Ảnh: Thùy Khánh

Theo đề nghị của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ngày 12/6 vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổ chức phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa Cục Thú y với EU. 

Trong đó, phái đoàn Liên minh châu Âu đưa ra 2 vấn đề thảo luận. Về ảnh hưởng của Thông tư 04 đối với cơ chế đăng ký danh sách doanh nghiệp (pre-listing) của EU, phía EU cho rằng việc các lô hàng của EU bị giữ lại ở hải quan Việt Nam hồi tháng 5/2024 là do các vấn đề liên quan tới yêu cầu mã HS 8 số (được yêu cầu điền vào biểu mẫu số 02, 03, 17, 18, 19, 20 của Phụ lục 05 của Thông tư 25). Những sửa đổi của Thông tư 04 đang gây khó khăn cho cơ chế pre-listing mà Việt Nam và EU cam kết thực hiện theo Hiệp định EVFTA, đồng thời với chính sách mới, sẽ tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu EU.

Do vậy, EU đề nghị Việt Nam khẳng định Thông tư 04 liệu có ảnh hưởng đến cơ chế pre-listing, nếu có thì cụ thể như thế nào? Hoặc nếu không thì cần có văn bản giải thích, hướng dẫn rõ ràng thực hiện Thông tư tới các đối tượng liên quan (đặc biệt đối với các kiểm dịch viên tại cửa khẩu đang gây ách tắc hàng hóa của Pháp, Tây Ban Nha…).

Cũng tại cuộc họp, phía EU cho rằng các chỉ tiêu kiểm tra vi sinh vật như Salmonella spp. và E.coli là quá ngặt nghèo so với mức cần thiết. Tần suất kiểm tra tại cửa khẩu cũng cao hơn mức cần thiết, Việt Nam không kiểm tra dựa trên nguy cơ, không quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, nước xuất khẩu… mà kiểm tra theo tính hệ thống. Phía EU cho rằng như vậy là không hợp lý.

Đại diện Cục Thú y cho biết, Dự thảo Thông tư dự kiến kiểm tra toàn bộ các chủng Salmonella spp. và E.coli, sau khi nhận góp ý của Thành viên WTO, quy trình kiểm tra chỉ còn áp dụng với Salmonella spp. và một chủng E.coli O157.H7. Cục Thú y đã giải thích cụ thể tại Công văn số 898/TY-KD ngày 24/4/2024. 

Theo Thông tư 04, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu của Việt Nam như sau: Đối với các mặt hàng có nguy cơ cao (mặt hàng tươi sống: thịt, thịt đông lạnh), cơ quan nhập khẩu sẽ kiểm tra từng lô hàng. Đối với các mặt hàng có nguy cơ thấp (sữa, trứng, hàng chế biến), cơ quan nhập khẩu sẽ kiểm tra theo tần suất (khoảng 20%).

Phía EU đề nghị Việt Nam tuân thủ các cam kết trong Chương SPS/EVFTA với nguyên tắc tương đương, các biện pháp SPS không được phân biệt đối xử và gây bất lợi với các bên. Đồng thời, EU lưu ý về nguyên tắc có đi có lại, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU không chịu các quy trình hết sức ngặt nghèo giống như các sản phẩm của EU vào Việt Nam. 

 Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị EU gửi văn bản chính thức những điểm cần làm rõ trong Thông tư 04 để phía Việt Nam nghiên cứu trả lời; đồng ý với ý kiến EU nên có các phiên họp kỹ thuật để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nhằm tạo thuận lợi thương mại giữa hai bên. Hai bên cũng thống nhất sẽ làm việc qua nhiều kênh, bên cạnh WTO như Đại sứ quán và qua đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA.

 Về thư của 6 Đại sứ đồng ký gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nội dung nêu quan ngại về vấn đề thủ tục hồ sơ, đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu xét nghiệm thêm các chỉ tiêu kiểm tra vi sinh vật quy định tại Thông tư 04, gây khó khăn cho doanh nghiệp tương tự quan ngại của EU.

Văn phòng SPS Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chủ động bố trí lịch gặp trực tiếp, đối thoại với EU và 6 Đại sứ trong thời gian sớm nhất để làm sáng tỏ các điểm mới trong Thông tư 04. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Thú y cung cấp tài liệu chứng minh việc không tuân thủ thời gian lấy ý kiến thành viên WTO dưới 60 ngày là nhằm thuận lợi hóa thương mại để áp dụng điều khoản ban hành văn bản khẩn cấp về Văn phòng SPS Việt Nam. 

Nếu không đủ minh chứng, Cục Thú y xem xét báo cáo Bộ có thể gia hạn thời gian có hiệu lực thêm 60 ngày và bổ sung văn bản hướng dẫn thực hiện. Làm rõ việc có phải ghi mã HS trên hồ sơ danh mục được phép nhập khẩu và Chứng nhận kiểm dịch hoặc Chứng nhận ATTP nước xuất khẩu không hay chỉ ghi mã HS trong đơn xin kiểm dịch nhập khẩu theo quy định tại Hồ sơ gửi Cục Thú y.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *