COVID-19: Thích ứng an toàn

(Người Chăn Nuôi) – Chính phủ đang bàn giải pháp chuyển hướng chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng cũng đang khuyến khích các địa phương chủ động điều chuyển nhằm thích ứng với bối cảnh dịch bệnh.

Nguy cơ thiếu nguồn cung

Những tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Đại dịch COVDI-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản; Dịch bệnh trên động vật diễn biến phức tạp; Biến đổi khí hậu đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi; Thị trường tiêu thụ nông sản giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng hàng rào kỹ thuật. Nhiều hàng hóa gặp khó khăn trong xuất khẩu…

Trước tình hình đó, Cục Chăn nuôi đã đưa ra 3 kịch bản cho ngành chăn nuôi những tháng cuối năm. Kịch bản 1: Nếu dịch COVID-19 có thể kiểm soát vào cuối quý III/2021, khi đó nhu cầu thực phẩm tăng trở lại; Các chuỗi chăn nuôi, giết mổ, phân phối được giải quyết, lưu thông trở lại thì ngành chăn nuôi phục đủ nhu cầu nội địa và Tết Nguyên đán 2022. Kịch bản 2: Nếu đến cuối quý IV/2021, dịch COVID-19 mới được khống chế thì người chăn nuôi gặp khó khăn để duy trì sản xuất vì giá thành đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra bấp bênh; Sức mua thị trường suy giảm nhiều; Các chuỗi giết mổ, phân phối không được lưu thông; Người chăn nuôi không dám tái đàn, nhiều cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng, nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán 2022 sẽ thiếu 10 – 20%. Kịch bản 3: Nếu COVID-19 kéo dài sau Tết nguyên đán 2022, khi đó hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nếu không có giải pháp cải thiện lưu thông, phân phối thì người chăn nuôi bỏ không chuồng trại, nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi vừa và nhỏ bị khó khăn, có thể dẫn đến phá sản. Nguy cơ nguồn cung thực phẩm thiếu 30 – 40%.

 

Tín hiệu lạc quan

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhìn chung từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi cơ bản cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm cho người dân trong cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm 30 – 50%, dẫn đến việc ứ đọng sản phẩm, giá tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi giảm sâu trong các tháng gần đây.

chăn nuôi heo

Nhiều địa phương đã và đang chủ động lên phương án khôi phục sản xuất

Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, trước đây, nhu cầu tiêu thụ thịt của thành phố, có cả khách vãng lai, khách du lịch là rất lớn, bình quân 1.600 tấn thịt các loại/ngày, nhưng vừa qua do giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm rất nhiều, lượng thịt cung cấp khoảng 800 – 900 tấn/ngày, chỉ bằng 50 – 55% so khi chưa có dịch. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lượng thịt tươi cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh những ngày gần đây có dấu hiệu khả quan, tăng 18 – 20%. Trong đó, thịt heo tăng 31,6%, thịt gà tăng 4,5%, thịt trâu, bò giảm 36,6%. Nhìn chung, lượng cung thịt tươi cho TP. Hồ Chí Minh đang dần tăng theo từng ngày.Kể từ ngày 1/10/2021, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển chiến lược mới, đó là dần mở cửa nền kinh tế, sau khi cơ bản người dân đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Các cửa hàng ăn uống đã được mở lại (chỉ bán mang về); Các hoạt động lưu thông hàng hóa cũng có phần thuận lợi hơn… Điều này phần nào sẽ giúp phục hồi và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong thời điểm những tháng cuối năm 2021. Đồng thời giúp ngành chăn nuôi khôi phục sản xuất, để chuẩn bị nguồn lực phục vụ Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022.

 

Chủ động phương án sản xuất

Xác định phải “sống chung với COVID-19”, nhiều địa phương đã chủ động phương án khôi phục sản xuất, sẵn sàng tăng quy mô sản xuất ngay khi nới giãn cách.

Để chủ động thích ứng với tình hình diễn biến dịch COVID-19, tỉnh Bình Phước cũng đặt ra giả thuyết 2 kịch bản để làm chủ mọi tình huống, trong đó, ngành nông nghiệp có vai trò trọng tâm. Cụ thể, với kịch bản 1, dịch COVID-19 được khống chế cuối tháng 9, đầu tháng 10, mọi kế hoạch nông nghiệp đề ra đầu năm cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên. Với kịch bản 2, dịch COVID-19 kéo dài, các chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh được thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, trong điều kiện dịch COVID-19 kéo dài, tỉnh cũng quyết tâm duy trì tổng đàn chăn nuôi như hiện nay, trọng tâm là chăn nuôi heo, gà, vịt. Cụ thể, heo trên 1.945.000 con; Gà, vịt trên 9.565.000 con. Sản lượng xuất khẩu thịt gà chế biến tiếp tục thực hiện sang thị trường Hồng Kông và Lào.

Hay tại tỉnh Bình Định, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2021, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn phát triển tương đối khá. Tổng đàn bò có hơn 295.700 con, tăng 1,2%; Đàn heo gần 647.600 con, tăng 1,6%; Và đàn gia cầm hơn 8,489 triệu con, tăng 3,9% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang vận động người chăn nuôi tái đàn, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm, phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Đồng thời chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý chăn nuôi, kiểm soát hoạt động vận chuyển, mua bán sản phẩm chăn nuôi trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc làm sao để người chăn nuôi tích cực tái đàn. Nhiều người nuôi cho biết: “Hiện là thời điểm người chăn nuôi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất Tết Nguyên đán 2022. Tuy nhiên giá cả nhiều sản phẩm chăn nuôi đang hạ thấp do thiếu đầu ra và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, là khó khăn rất lớn khiến nhiều người vô cùng băn khoăn khi tái, tăng đàn sản xuất. Để người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển đàn vật nuôi, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng đưa ra những định hướng sản xuất cụ thể dựa trên nhu cầu tiêu dùng của thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ dịp Tết để bà con có phương án sản xuất cụ thể. Đồng thời, ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ, kết nối các kênh tiêu thụ giúp bà con an tâm về đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn chưa được khống chế hoàn toàn, chính quyền các địa phương cần sớm xây dựng “luồng xanh” giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi để việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không bị đình trệ, kéo dài vụ nuôi, khiến chi phí tăng cao”.

>> Một số chỉ tiêu chính để phát triển năm 2021: Tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5 – 6%; Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 3,7 triệu tấn, tăng 6,1%; Thịt gia cầm đạt khoảng 1,69 triệu tấn, tăng 5,8%; Thịt bò đạt khoảng 449.000 tấn, tăng 6%. Sản lượng trứng đạt khoảng 16 tỷ quả, tăng 7,5%. Sản lượng sữa đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 11,5%.

Phương Ngọc – Nguyễn Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *