Các cơ sở giết mổ tập trung tại Quảng Trị thực chất chỉ là nơi tập trung giết mổ, hạ tầng xập xệ, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng phòng Kiểm dịch – Kiểm soát giết mổ, Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là nơi tập trung giết mổ của các chủ gia súc. Điều này cần sớm được thay đổi cùng với việc nâng cấp hạ tầng các cơ sở giết mổ tập trung.
Các cơ sở giết mổ tập trung tại Quảng Trị thực chất chỉ là nơi tập trung giết mổ. Ảnh: Võ Dũng.
“Ở nhiều tỉnh, chủ cơ sở giết mổ tập trung đồng thời là chủ gia súc được giết mổ rồi xuất sản phẩm động vật cho thương lái bán tại các chợ. Tuy nhiên, tại Quảng Trị, bình quân mỗi lò chỉ mổ khoảng 20-30 con lợn/ngày nhưng có đến 5-6 chủ gia súc. Điều này khiến công tác kiểm soát giết mổ gặp khó khăn”, ông Kỳ cho hay.
Ồng Thái Văn Định, chủ cơ sở giết mổ tập trung tại phường 1 cho biết, mỗi ngày cơ sở này giết mổ khoảng 100-120 con lợn. Tuy nhiên, chủ cơ sở chỉ là người quản lý về hạ tầng, phục vụ cho các chủ gia súc thực hiện giết mổ vào ban đêm và thu phí. Chính vì vậy, khu vực bên trong cơ sở này hiện có nhiều ô chuồng của nhiều chủ gia súc khác nhau.
“Ở đây có 5 ô chuồng của 5 chủ gia súc. Chúng tôi chỉ quản lý cơ sở, đun nước sôi, cung cấp nước cho việc giết mổ. Chủ cơ sở không tham gia vào việc giết mổ, đó là công việc của các chủ gia súc”, ông Định cho biết.
Còn cơ sở giết mổ tập trung tại phường Đông Lương mỗi ngày giết mổ 7-8 con lợn, 8-10 con bê. Không chỉ hoạt động vào ban đêm, cơ sở này còn giết mổ vào ban ngày để phục vụ các quán bê thui trên địa bàn thành phố Đông Hà.
Ông Phan Bá Thành, một thợ làm thịt bê tại cơ sở giết mổ tập trung phường Đông Lương cho hay, tại đây có đến 9 chủ gia súc. Mỗi chủ gia súc là một ô chuồng, lúc nào có nhu cầu sẽ thuê người đến giết mổ lợn, bê.
Điều lo ngại nhất của ngành thú y Quảng Trị là hiện nay, nhiều cơ sở giết mổ tập trung đã xuống cấp, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y .
Phần lớn trong tổng số 12 cơ sở giết mổ tập trung tại Quảng Trị được xây dựng cách đây trên 20 năm. Công suất các lò mổ hiện không đáp ứng nhu cầu. Nhiều cơ sở hiện đã nằm lọt thỏm trong khu dân cư, gần trường học, ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phải hoạt động.
Thời gian gần đây, chính quyền các địa phương đã đầu tư ngân sách nâng cấp khu xử lý nước thải nhưng trước áp lực giết mổ ngày càng tăng, các khu xử lý nước thải này quá tải. Tại một số cơ sở giết mổ tập trung, hệ thống xử lý nước thải gần như tê liệt, nguồn nước xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ồng Thái Văn Định, chủ cơ sở giết mổ tập trung tại phường 1 cho biết, chính quyền và người dân phường 1 đang ngóng chờ cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn do UBND thành phố Đông Hà xây dựng tại phường Đông Lễ. Tuy đã có quy hoạch, chủ trương xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
“Chúng tôi hoạt động ở đây rất áp lực. Người dân phản ánh rất nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng nếu không giết mổ ở đây thì lượng thực phẩm phục vụ thị trường sẽ lấy từ đâu? Chúng tôi mong cơ sở giết mổ tập trung của thành phố sớm xây dựng để chuyển về đó hoạt động”, ông Định chia sẻ.
Ông Trần Văn Kỳ, Trưởng phòng Kiểm dịch – Kiểm soát giết mổ Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị cho biết thêm, trước tình trạng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh không còn đáp ứng nhu cầu và có nhiều bất cập, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đề án quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó, giai đoạn này toàn tỉnh sẽ xây dựng mới và nâng cấp 21 cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh mới xây dựng, nâng cấp được 3 cơ sở giết mổ tập trung.
Cần sớm xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn
“Ngành chăn nuôi, thú y kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương sớm tháo gỡ những vướng mắc xây dựng nhanh các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Đây cũng là điều kiện cần để công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện hiệu quả hơn”, ông Trần Văn Kỳ, Trưởng phòng Kiểm dịch – Kiểm soát giết mổ Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Trị.
Võ Dũng – Công Điền
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam