Cơ hội “vàng” của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Dương

Nắm bắt cơ hội “vàng” khi nhiều yếu tố thuận lợi xuất hiện cùng lúc, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hải Dương đang tăng tốc sản xuất, phát triển thị trường để tiếp đà tăng trưởng.

Thuận lợi

Những tháng đầu năm 2024, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Q&T (TP Hải Dương) liên tục gia tăng công suất sản xuất. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường hơn 5.000 tấn thức ăn chăn nuôi, có tháng lên tới 8.000 tấn, cao hơn từ 2.000 – 5.000 tấn/tháng so với thời điểm đầu năm 2023. Ông Khúc Văn Vượng, Trưởng Phòng Kỹ thuật của công ty cho biết, nếu như đầu năm 2023 giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt đỉnh thì đến cuối năm đã chạm đáy. Nhờ vậy giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi giảm xuống. Có những mặt hàng thức ăn chăn nuôi giảm giá tới 30% so với cuối năm 2023. Giá thức ăn giảm có lợi cho người chăn nuôi nên các hộ yên tâm tái đàn, mở rộng sản xuất. Những tín hiệu tích cực khi nền kinh tế phục hồi cũng khiến nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Trải qua những đợt dịch bệnh, biến động của thị trường, người chăn nuôi bắt đầu quan tâm nghiên cứu, lựa chọn vật nuôi phù hợp, ổn định và mở rộng quy mô. Những điều kiện thuận lợi này đã tạo cú hích để doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi phát triển.

sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Dương

Theo đại diện Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Q&T, hiện giá thức ăn chăn nuôi có mặt hàng giảm tới 30% so với thời điểm cuối năm 2023

Là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi có tên tuổi với 2 nhà máy sản xuất đóng chân trên địa bàn TP Hải Dương, Công ty CP Dinh dưỡng quốc tế CNC cũng đang tận dụng thời cơ thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. 5 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp đạt hơn 10%. Nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu nhập khẩu. Vì thế, khi giá nguyên liệu có xu hướng giảm, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược mua nguyên liệu dài hạn. Bên cạnh đó, công ty chú trọng áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm để xây dựng mạng lưới đại lý và khách hàng. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng quốc tế CNC Nguyễn Duy Hoàng, tình hình chăn nuôi ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2019, người chăn nuôi dè dặt tái đàn khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ cuối năm 2023 trở lại đây, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều tín hiệu tích cực. “Giai đoạn này đang là thời điểm vàng đối với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khi thị trường nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đều có chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp nào cũng đang dồn lực để tập trung sản xuất và chú trọng phát triển thị trường”, anh Nguyễn Duy Hoàng cho hay.

Hướng tới ổn định

Hải Dương được ví là “thủ phủ” của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trên địa bàn tỉnh có 96 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn. Ngoài ra, tỉnh còn có 46 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp ngoài tỉnh.

sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Dương

Những tháng đầu năm 2024, Công ty CP Dinh dưỡng quốc tế CNC ở cụm công nghiệp Ba Hàng (TP Hải Dương) tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước

Sản xuất thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực chủ đạo đóng góp chính cho tăng trưởng của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Hải Dương. Theo Cục Thống kê tỉnh, 5 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 12,1%. Đây là mức tăng trưởng khả quan, đánh dấu sự phát triển trở lại của hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi nói chung.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi đã góp phần xóa sổ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cơ quan chức năng và nông dân quan tâm nhiều hơn tới quy hoạch chăn nuôi để phát triển bài bản. Vì thế, “bản đồ” chăn nuôi được xác lập lại, tập trung và đồng bộ hơn. Mặt khác, người chăn nuôi đang phát triển trang trại theo 2 hướng. Một là chăn nuôi chuyên biệt, chuyên sâu để hạn chế tác động của yếu tố bên ngoài. Hai là chăn nuôi đa dạng để phân tán rủi ro. Dù định hướng chăn nuôi theo cách nào thì cũng là điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi không chỉ chú trọng xây dựng hệ thống đại lý làm kênh phân phối mà còn đầu tư phát triển mô hình liên kết. Doanh nghiệp trực tiếp kết nối trang trại lớn, hỗ trợ kỹ thuật để thống nhất giải pháp chăn nuôi và cung ứng thức ăn. Khi tạo được liên kết, các hộ chăn nuôi bớt mối lo về dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng. Còn các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có kênh tiêu thụ ổn định. Từ đó tạo nền tảng phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Dũng Cường

Nguồn: Báo Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *