Cơ hội gia tăng thu nhập từ các loại vật nuôi nhẹ chi phí

Những năm gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình nuôi các loại động vật hoang dã như nuôi dúi, nuôi don, chồn hương, chồn mốc… Các loại vật nuôi này không đòi hỏi phải có diện tích đất sản xuất lớn và khá nhẹ chi phí tiền thức ăn, lại có đầu ra sản phẩm tốt nên rất phù hợp để người dân vùng đô thị và ven đô phát triển nuôi  nâng cao thu nhập…

Hình thành trại nuôi quy mô lớn

Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã hình thành được các trang trại nuôi động vật hoang dã với quy mô khá lớn. Bênh cạnh các trang trạng chuyên nuôi chồn hương hay nuôi dúi, trên địa bàn quận  xuất hiện một số trang trại nuôi cùng lúc nhiều loại động vật hoang dã như dúi, don và các loại chồn. Điển hình là trang trại nuôi động vật hoang dã của anh Nguyễn Văn Thành ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Với diện tích khoảng 800m2, hiện trang trại nuôi hơn 600 con chồn hương và chồn mốc bố mẹ, khoảng 500 con dúi và 400 con don bố mẹ phục vụ sinh sản. Mỗi năm trang trại có thể cung cấp ra thị trường một số lượng lớn con giống dúi, don và chồn các loại để người dân có thể  mua và phát triển nuôi.

Anh Nguyễn Văn Thành cho biết: “Trang trại  nuôi sinh sản các loại dúi má đào, dúi móc đại, chồn hương, chồn mốc và don. Đây là các loại vật nuôi khá nhẹ chi phí tiền thức ăn và không mất nhiều thời gian để chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, lại không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.  Chúng ta có thể tận dụng các loại cây, rau củ quả như chuối, khoai, bí, bắp, cây tre, cây mía… và cá giả rẻ để làm thức ăn nuôi chồn, dúi và don. Mỗi năm trang trạng cung cấp ra thị trường hơn 1.200 con dúi giống và dúi thương phẩm, khoảng 1.500 con chồn các loại và từ 500 – 600 con don. Bên cạnh việc cung cấp con giống, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện các hồ sơ thủ tục pháp lý để nuôi các loài vật này, trang trại cũng bao tiêu, thu mua lại sản phẩm của bà con để đưa đi các nơi tiêu thụ. Doanh thu của trang trại  có thể đạt 4 – 5 tỉ đồng/năm”.

nuôi dúi

Dúi được nuôi tại trang trại của anh Nguyễn Văn Thành ở Bình Thủy.

Nhờ phát triển nuôi chồn hương và cho chồn hương sinh sản, tăng đàn thành công, gia đình anh Phạm Văn Tuấn ở quận Bình Thủy phát triển được các trang trại nuôi chồn hương với quy mô khá lớn. Đến nay, anh đã có 3 nhà trại phục vụ nuôi chồn hương tại phường Trà Nóc và phường An Thới, với diện tích hơn 270 m2 và tổng đàn chồn hương trên 200 con, trong đó có 70 con bố mẹ đang cho sinh sản. Thời gian qua, anh Tuấn cũng có nguồn thu nhập khá cao từ việc bán chồn giống và chồn thương phẩm, với tổng doanh thu gần 2 tỉ đồng/năm. Theo anh Tuấn, nhu cầu mua con giống và tiêu thụ thịt chồn hương trên thị trường rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế nên đầu ra khá thuận lợi. Chồn hương được gia đình anh Tuấn cung cấp cho nhiều khách hàng tại vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ và cả một số tỉnh, thành ở miền Bắc.

Hiệu quả kinh tế cao

Nuôi chồn hương và chồn mốc ít tốn chi phí tiền thức ăn và sản phẩm đầu ra bán được giá nên người nuôi có thể đạt được mức lợi nhuận rất cao, đặc biệt đối với nuôi chồn cho sinh sản và bán con giống. Thời gian qua, giá chồn hương và chồn mốc giống ở mức từ 5 – 11 triệu đồng/con, tùy theo lớn nhỏ và con cái hay con đực. Còn chồn thương phẩm cũng có giá rất cao, với giá thịt hơi vào nhiều thời điểm ở mức từ 1,5 – 2,2 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn. Điều đáng chú ý, nuôi chồn hương và chồn mốc không đòi hỏi phải có diện tích đất lớn. Người nuôi có thể mua các tấm lưới kẽm có bán sẵn trên thị trường để làm chuồng hoặc đặt thợ làm. Thức ăn để phục vụ chăn nuôi cũng dễ tìm và có chi phí tương đối thấp nhờ có thể tận dụng các loại rau củ quả, thịt gia cầm và cá giá rẻ…

Tương tự, việc nuôi don và dúi cũng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ nhẹ chi phí tiền thức ăn và bán sản phẩm giá cao. Người nuôi có thể dùng các loại rau củ quả giá rẻ hoặc sẵn có trong vườn để nuôi don như chuối, bí đỏ, bắp cải… Còn thức ăn cho con dúi chủ yếu là cây tre, mía và hạt bắp…  Dúi được nhiều nhà hàng, quán ăn xếp vào loại đặc sản nhờ có thịt ngon, mát và giàu đạm nên giá thịt dúi thương phẩm ở mức khá cao. Thời gian qua, giá dúi thương phẩm (dúi thịt) được nông dân tại nhiều nơi bán ra ở mức 1 – 1,2 triệu đồng/kg, còn giá dúi giống (dúi con, cỡ 2 – 3 tháng tuổi trở lên) có giá từ 600.000 – 1.500.000 đồng/con, tùy loại. Còn giá don thương phẩm ở mức 1,6 – 1,8 triệu đồng/kg, don giống (cỡ 3 tháng tuổi) tại nhiều nơi khoảng 6 triệu đồng/cặp.

Anh Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại nuôi dúi, chồn và don ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “Chi phí đầu tư lớn nhất cho việc nuôi các loại động vật hoang dã như dúi, don và chồn có lẻ chính là tiền đầu tư con giống ban đầu. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của việc nuôi các loài vật này chính là nhẹ tiền thức ăn, cũng như không đòi hỏi phải có diện tích đất sản xuất lớn. Chi phí tiền thức ăn cho mỗi con don và dúi chỉ khoảng 1.000 đồng/ngày và còn chồn khoảng 2.000 đồng/con/ngày. Các con vật này dễ nuôi và  tỷ lệ hao hụt ít do chúng có sức sống tốt”.  Theo anh Thành, để nuôi các loại động vật hoang dã đạt hiệu quả kinh tế cao, người nuôi nên phát triển mô hình nuôi theo hướng nuôi sinh sản để tăng đàn dần, khi nào có đủ số lượng lớn mới bán thương phẩm. Lúc mới bắt đầu nuôi, nên mua số lượng con giống ở số lượng vừa phải để nhẹ chi phí đầu tư và giảm được rủi ro trong quá trình mới bắt đầu tích lũy kinh nghiệm nuôi. Đối với nuôi dúi nên khởi đầu nuôi với số lượng khoảng 8 – 10 cặp, còn chồn và don khoảng 3 – 5 cặp.

Với khu chuồng trại chỉ rộng khoảng 50 m2 được làm gần ngay tại nhà, thời gian qua ông Nguyễn Văn Hiếu ở khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa đã nuôi hơn 200 con dúi các loại và có nguồn thu khá tốt từ loại vật nuôi này. Theo ông Hiếu, ông bắt đầu nuôi dúi với số lượng ít, sau đó mới cho sinh sản và nhân đàn lên với số lượng lớn rồi mới bán sản phẩm. Hiện dúi thịt được gia đình ông cung cấp cho nhiều quán ăn và nhà hàng tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Con dúi có tuổi đời lên đến hơn 6 năm. Sau thời gian nuôi khoảng 8 – 12 tháng, dúi có thể đạt trọng lượng trên 1 kg/con, tùy giống dúi. Dúi thường đẻ 3 – 4 lần/năm và mỗi lần có thể đẻ được tới 3 – 6 con, trong đó giống dúi má đào thường đẻ nhiều con nhất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Nguồn: Báo Cần Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *