Chuyển giao công nghệ nuôi ấu trùng ruồi lính đen tạo thức ăn chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Đây là nhiệm vụ được đặt ra tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành tại Quyết định số 540/QĐ-TTg. 

Mục tiêu của Đề án là phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp. 

nông nghiệp tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo ra một chu trình sản xuất và tiêu thụ bền vững. Ảnh: ST

Cụ thể, đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5 – 1% mỗi năm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đảm bảo 60% hộ gia đình và toàn bộ trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi được tái sử dụng. 

Bên cạnh đó, xây dựng hoàn thiện và đưa vào áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm cho các mặt hàng chủ lực; 100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 80% trang trại và 50% hợp tác xã được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp; Đảm bảo việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.

Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chính để thực hiện. Trước hết, cần nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị bao gồm nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào như con giống kháng bệnh, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm xử lý môi trường,…

Xây dựng các chương trình, dự án phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giai đoạn đến năm 2030 để triển khai nghiên cứu ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, đối với chăn nuôi, nghiên cứu chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung/chất bổ sung thức ăn chăn nuôi, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi; các quy trình và công nghệ chăn nuôi tuần hoàn không chất thải; tiết kiệm tài nguyên; các quy trình và công nghệ thu gom, xử lý chất thải lỏng, chất thải rắn để hình thành công nghiệp dinh dưỡng hữu cơ cho canh tác cây trồng; các công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành chăn nuôi (phân thải, máu, xương, chất độn chuồng) làm năng lượng tái tạo, phân bón. Nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng các hệ thống sản xuất đa ngành tuần hoàn như nông – lâm kết hợp, chăn nuôi – thủy sản kết hợp, các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. 

Tiếp đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn như công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành chăn nuôi làm năng lượng tái tạo, phân bón, thức ăn cho trùn quế, ruồi lính đen. Chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tái chế chất thải thực phẩm như dùng nuôi ấu trùng ruồi lính đen để tạo ra các sản phẩm hữu ích như thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. 

Thứ ba, phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tiến hành hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực và thế giới có nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư, hỗ trợ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ thế hệ mới thúc đẩy quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị, giảm phát thải, từng bước làm chủ công nghệ. Cùng đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung nêu ra. Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, giai đoạn 2024 – 2025, giai đoạn 2026 – 2030. Căn cứ kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Đề án theo từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

 Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường để nhận diện, đánh giá các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. 

Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan xây dựng và phê duyệt theo thẩm quyền 5 dự án khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn năm 2030, chịu trách nhiệm xem xét, quyết định cụ thể đối với từng dự án do Bộ chủ trì, bảo đảm hiệu quả, khả theo và theo đúng quy định, trong đó có Dự án khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi đến năm 2030. Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn.

 Phối hợp với Bộ Công thương triển khai các nhiệm vụ phát triển thị trường cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn…

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *