Chủ tịch VPA đề xuất một số giải pháp cấp bách gỡ khó cho ngành gia cầm

(Người Chăn Nuôi) – Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Chăn nuôi và Thú ý cùng đại diện các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp về giải pháp phát triển ngành gia cầm, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã nêu ra các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm trong bối cảnh hiện nay.

Bức tranh gia cầm quý I/2025

Báo cáo về tình hình sản xuất gia cầm thời gian qua, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho biết, sản xuất gia cầm quý I/2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hiện tổng đàn gia cầm cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, đàn gà tăng 3,5%). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong quý I/2025 ước đạt 624,4 nghìn tấn, tăng 4,7% so với quý I/2024; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5,2 tỷ quả, tăng 3,2%.

chủ tịch VPA kiến nghị

Toàn cảnh buổi họp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì.

Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng cũng nhận định, hiện nay chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình trạng “cung vượt cầu”. Giá gà lông màu có nhích lên song vẫn ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất. Giá cả bấp bênh, tình trạng giết mổ gia cầm quy mô nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh thông qua việc vận chuyển nhập lậu. Vấn đề được đặt hiện nay là làm sao để thị trường ổn định.

Đại diện Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VPA), Chủ tịch Hội Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, “bức tranh” ngành gia cầm hiện nay nhiều mảng xám, ít mảng sáng. Đến hết quý I/2025, sản xuất và thương mại gia cầm trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết giá các loại sản phẩm gia cầm đều đứng ở mức thấp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp thuộc VPA, phần lớn các doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua đều thua lỗ, hoặc hòa vốn.

Chủ tịch VPA kiến nghị

Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đề xuất một số giải pháp cấp bách gỡ khó cho ngành gia cầm.

Cũng theo Chủ tịch VPA, nguyên nhân của tình trạng trên là do trong 2 năm gần đây 2024 – 2025, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn không bán được cám, nên đã chuyển sang chăn nuôi gà gia công đã góp phần tăng đàn quá nóng, đặc biệt là gà lông màu và gà trứng, khiến cung vượt cầu, giá bán thấp. Bên cạnh đó, sản lượng thịt gà nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch khá lớn, chiếm tỷ trọng cao 25 – 26% so với sản xuất trong nước. Sức mua của người tiêu dùng giảm so với trước đây. Trong khi đó, giá thức ăn vẫn đứng ở mức cao, khiến giá thành sản phẩm thịt, trứng vẫn cao.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước những khó khăn như nêu trên, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các Hiệp hội ngành hàng cần thống nhất trong việc đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay, trong đó có ngành gia cầm để có các giải pháp phù hợp. Trên thực tế, ngành chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp trong nước và người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, không như đánh giá toàn “màu hồng” trong các báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Sơn kiến nghị cần nhận định, đánh giá đúng thực trạng ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay để dưa ra định hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn tới. Theo đó, cần tái cấu trúc lại các ngành gia cầm theo hướng phát triển về chiều sâu, tái cơ cấu các phân khúc ngành hàng, nâng cao năng suất và chất lượng và hướng tới xuất khẩu nhiều hơn thay vì phát triển ồ ạt về đầu con và sản lượng, nhưng giá trị gia tăng thấp như giai đoạn vừa qua. Về chủ trương đầu tư, không khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài mới vào Việt Nam đầu tư chăn nuôi mà không gắn với chế biến và xuất khẩu. Đồng thời về quản lý Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Để thực hiện thành công định hướng mới về phát triển gia cầm, cần có các giải pháp chính sách, đề án chương trình hành động cụ thể. Đó là chính sách thúc đẩy chế biến và xuất khẩu; lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho khối tư nhân; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; xây dựng cơ sở hạ tầng logicstic.

“Đề nghị Bộ phối hợp với Hiệp hội Gia cầm Việt Nam tổ chức ngay Hội nghị với chủ đề “Tái cơ cấu lại ngành gia cầm theo hướng phát triển bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu”, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh về chất lượng con giống, đặc biệt chú trọng về giống bản địa. Để làm được điều đó, cần kiểm soát giống gia cầm nhập khẩu, đặc biệt là ngăn chặn giống gia cầm nhập lậu, có nguy cơ cao về dịch bệnh và chất lượng kém. Trong nước, doanh nghiệp liên kết với nhau để sản xuất con giống bản địa chất lượng.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trước xu hướng hiện đại ngành gia cầm cần thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi quan điểm về sử dụng sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay người tham gia sản xuất nhiều, năng suất tăng, để cạnh tranh với thịt ngoại, chúng ta cần đẩy mạnh các sản phẩm chế biến nhanh, tiện lợi. Và để xúc tiến xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến nhiệt, doanh nghiệp và Nhà nước đều phải tham gia.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành gia cầm nước ta đạt được nhiều thành tựu phát triển, năng suất chất lượng tương đối tốt, thiết bị chuồng trại hiện đại, tự động hóa cao, chất lượng con giống được đảm bảo, năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng đủ yêu cầu… Mặc dù vậy, ngành vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục, một số cơ sở chăn nuôi còn lạc hậu, thống kê ngành gia cầm hiện nay chưa đảm bảo được tính tổng thể chi tiết, sản lượng đầu con, trứng các chỉ tiêu chưa chính xác, cần phải có giải pháp tháo gỡ…

Chủ tịch VPA kiến nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, cần sớm tổ chức hội nghị phát triển ngành hàng gia cầm.

Để ngành gia cầm ngày càng phát triển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị cần sớm tổ chức hội nghị tập trung chế biến, xuất khẩu gia cầm với sự tham gia của đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển ngành hàng. Đặc biệt, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam sẽ có những báo cáo cụ thể về lĩnh vực của mình. Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Bộ Công Thương trên cơ sở phân tích diễn biến của thị trường cần kịp thời đưa ra dự báo tới người nuôi và doanh nghiệp để có định hướng sản xuất phù hợp. Cùng với đó, cần rà soát lại khối lượng nhập khẩu và xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu ở một số khu vực.

“Với tinh thần khẩn trương, tôi đề nghị ngành chăn nuôi rà soát lại cơ chế chính sách giết mổ, chế biến, xuất khẩu,… Tiếp tục phát triển khoa học công nghệ trong phòng bệnh, chọn tạo con giống. Ngoài ra, cần xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt các thị trường tiềm năng” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.

>> Sáng 17/4, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức buổi họp về phát triển ngành gia cầm. Tham dự có Cục Chăn nuôi và Thú y, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, một số doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm và đơn vị liên quan khác. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.

Vũ Mưa – Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *