Chủ động thức ăn và phòng dịch cho vật nuôi trong mùa nắng

Thời tiết đang bước vào giai đoạn nắng nóng với nền nhiệt cao khiến vật nuôi suy giảm sức khỏe, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát gây hại. Trước tình hình này, người chăn nuôi chủ động thực hiện nhiều giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.

Trồng cỏ, mua rơm

Hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi bò đàn, ông Phạm Văn Hưng ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) luôn có sự chuẩn bị bài bản để đàn gia súc ổn định phát triển trong giai đoạn thời tiết nắng nóng cao điểm. Ông Hưng cho biết: Gia đình tôi nuôi theo hình thức bán chăn thả hơn 10 con bò. Tuy nhiên, vào các tháng mùa nắng, đất đai khô rốc, nước ngầm cạn kiệt nên lượng cỏ tự nhiên không nhiều, bò của nhiều hộ nuôi bị thiếu hụt nguồn thức ăn trầm trọng. Để chủ động được thức ăn, tôi dành ra 3 sào đất (3.000 m2) để trồng cỏ, mua thêm rơm rạ sau các mùa gặt lúa, thân bắp… tích trữ cho bò. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, đàn bò của gia đình chưa bị thiếu thức ăn thô xanh, phát triển rất tốt, sinh sản đều.

Tại huyện miền núi Sông Hinh, địa phương có đàn bò khá nhiều và được nuôi tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán chăn thả rông, tình trạng bò thiếu thức ăn thường xuyên xảy ra trong các tháng mùa nắng. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: Tổng đàn bò của toàn huyện khoảng 18.000 con, nuôi nhiều nhất ở các xã Ea Trol, Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm… Bà con ở đây chủ yếu nuôi bò thả rông, tự tìm thức ăn ngoài tự nhiên nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đói trong các tháng nắng nóng cao điểm. Để khắc phục vấn đề này, thời gian qua, huyện Sông Hinh đã phối hợp triển khai nhiều mô hình trồng cỏ nuôi bò, mở các lớp tập huấn ủ chua phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho gia súc… Nhờ vậy, nhiều gia đình chủ động trồng cỏ nuôi bò.

bổ sung thức ăn xanh cho vật nuôi

Bổ sung thức ăn xanh và vệ sinh khử khuẩn môi trường chuồng trại là những giải pháp phòng dịch cho vật nuôi mà người dân đang thực hiện. Ảnh: Nguyễn Chương

Mí Bầu ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) nói: Toàn bộ diện tích đất trống quanh vườn, tôi đều tận dụng trồng cỏ để làm thức ăn bổ sung cho đàn bò chứ mùa này rẫy ít cỏ, bò không đủ ăn.

Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, hiện nay hầu hết các hộ nuôi bò ở địa phương trồng cỏ, tích trữ rơm rạ để chủ động được nguồn thức ăn cho bò quanh năm, không còn tình trạng bò bị thiếu đói. Hiện chỉ còn một số xã đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Phú Mỡ, Xuân Lãnh…, người nuôi bò vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào đồng cỏ tự nhiên nên thường bị thiếu hụt thức ăn khi thời tiết khắc nghiệt. Từ đầu mùa nắng năm nay, địa phương đã khuyến cáo, hướng dẫn bà con cách tích trữ phụ phẩm nông nghiệp, nấu cháo bò… để giải quyết tình trạng thiếu thức ăn trong giai đoạn nắng cao điểm.

 

Tăng cường phòng dịch

Ngoài việc chủ động nguồn thức ăn trong mùa nắng nóng, người chăn nuôi còn đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa dịch, vì đây là giai đoạn vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh.

Bà Trương Thị Loan ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho biết: Mùa nắng, vật nuôi thường uống nhiều nước, ăn ít đi nên sức đề kháng suy giảm, nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao. Để bảo toàn đàn vật nuôi, tôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch cho đàn heo theo khuyến cáo của thú y. Ngoài ra, tôi còn thực hiện các biện pháp giải nhiệt cho heo bằng việc che bạt ở hướng nắng rọi, dùng cành cây phủ thêm lên mái chuồng để giảm hấp nhiệt, tưới nước mái và sàn chuồng…

Còn theo ông Nguyễn Gian Phúc ở xã An Chấn (huyện Tuy An), gà là vật nuôi chịu nhiệt rất kém, dễ sốc nhiệt nên mùa này rất dễ bị bệnh, nhất là các loại bệnh về đường hô hấp. Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, ngoài việc che chắn, giải nhiệt chuồng trại, ông Phúc còn chú trọng bổ sung các máng uống nước, thực hiện chế độ ăn hợp lý bổ sung các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, ông còn cho gà uống vitamin C, điện giải, hạn chế khẩu phần ăn.

Cùng với các giải pháp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, việc vệ sinh chuồng trại cũng được người chăn nuôi đặc biệt chú trọng trong mùa nắng nóng. Bà Lê Thị Hồng Thắm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) nói: Nước và chất thải trong chăn nuôi chính là mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong điều kiện nhiệt độ cao như hiện nay. Nếu không được thu gom, xử lý kịp thời, đúng cách thì sẽ trở thành nguồn phát sinh, lây bệnh cho vật nuôi. Chính vì vậy, mỗi ngày, tôi đều thu gom chất thải và xử lý bằng vôi bột, dội rửa chuồng và phun thuốc tiêu độc sát trùng định kỳ 2 lần/tuần.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên – Nguyễn Văn Lâm cho biết: Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang ổn định, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh ở vật nuôi rất cao, người nuôi cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi bằng việc tiêm phòng vắc xin, bổ sung thức ăn thô xanh và các loại khoáng chất, vitamin…

Thủy Tiên

Nguồn: Báo Phú Yên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *