Ngày 14/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021 -2022 các tỉnh trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ”.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, nhờ sự chủ động trong chỉ đạo phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương nên số lượng gia súc, gia cầm thiệt hại do đói, rét đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Nếu như vụ Đông Xuân năm 2007 – 2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc (chủ yếu là trâu, bò) thì sau hơn 10 năm, rét đậm, rét hại Đông Xuân 2017 – 2018 chỉ thiệt hại khoảng 7.100 con gia súc. Trong đó, vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 có thời tiết cực đoan nhất từ trước đến nay với hơn 30 ngày nhiệt độ dưới 0 độ C ở một số nơi nhưng chỉ có khoảng 2.800 con trâu, bò bị chết.
Bộ NN&PTNT họp trực tuyến với các tỉnh để chống rét cho đàn vật nuôi thời gian tới – Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) đã triển khai nhiều dự án về trồng và chế biến bảo quản thức ăn phục vụ phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm hiệu quả tại các địa phương.
Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì và quản lý 27 dự án, trong đó có 9 dự án về đại gia súc. Các dự án triển khai nhằm góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước. Các dự án về chăn nuôi đại gia súc được triển khai ở hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Bà Hương nhấn mạnh, các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ có thế mạnh về điều kiện tự nhiên chăn thả rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt vào mùa rét khi nhiệt độ giảm sâu và thức ăn thô xanh khan hiếm. Do đó, khi triển khai các dự án khuyến nông trên địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc đã lồng ghép các nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền để giảm thiểu tác hại trong mùa đông rét cũng như nhanh chóng khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao các dự án, mô hình phòng, chống đói rét cho gia súc gia cầm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ rủi ro về các đợt rét đậm, rét hại, từ đó các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra và hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó quan trọng nhất là thông tin kịp thời và thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, không chủ quan và chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Hướng dẫn che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.., để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.
Đỗ Hương
Nguồn: chinhphu.vn