(Người Chăn Nuôi) – Các tỉnh, thành phía Nam hiện vẫn đang trong cao điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng oi bức, nhiệt độ tăng cao gây bất lợi cho sức khỏe của đàn vật nuôi, nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã và đang tích cực thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Tây Ninh
Thời tiết tại tỉnh Tây Ninh những ngày vừa qua rất nóng, nhiều ngày liền mức nhiệt ngoài trời lên tới 39 – 400C. Đây cũng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, lại giáp ranh với các tỉnh, thành có chăn nuôi phát triển như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và giáp Campuchia nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện các bệnh truyền nhiễm trên động vật.
Cán bộ thú y Tây Ninh triển khai tháng tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi. Ảnh: ST
Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh khuyến cáo hộ nuôi cần tăng cường dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Ngoài ra, để phòng, chống các loại dịch bệnh mùa nắng nóng, người nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y; bảo đảm tiêm phòng đầy đủ một số vaccine cần thiết, thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, khu chăn thả.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh đã triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 đối với hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật; thực hiện tiêu độc sát trùng cho các hộ chăn nuôi đàn gà, vịt quy mô dưới 1.000 con; đàn cút dưới 5.000 con; đàn trâu, bò dưới 40 con; đàn heo dưới 50 con. Cùng đó, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi tập trung cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh. Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, vệ sinh toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy.
Bạc Liêu
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 213.098 con heo; 3.165 con trâu, bò và 3.407.000 con gia cầm các loại. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 1 ổ dịch tả heo châu Phi (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 5 con.
Do có dự báo trước, nên hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện giải pháp chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm như: tăng lượng rau xanh, chất đạm và bổ sung Vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn của vật nuôi; cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp thêm nước uống, và tắm 1 – 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch; phun thuốc diệt ve, ruồi… Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
Những ngày trời nóng, gia súc tại Bạc Liêu được khuyến khích tăng cường thức ăn thô xanh. Ảnh: ST
Đối với đàn gia cầm, các hộ nuôi chủ động giảm mật độ nuôi và thực hiện dọn vệ sinh chuồng trại, thay đổi thời gian thả vườn của đàn để hạn chế tiếp xúc với nắng nóng; chủ động bổ sung Vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gia cầm giải nhiệt và tăng sức đề kháng, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải chất thải, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng.
Với những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo giảm mật độ nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Nếu chuồng kín, phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi nhằm kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm; đồng thời chủ động tiêm phòng vaccine cho vật nuôi theo quy định.
Cà Mau
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 98.600 con heo; 3,2 triệu con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 839 con heo bị chết do mắc bệnh thông thường, có 14 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 12 xã và 2 thị trấn của 5 huyện; không phát sinh bệnh trên gia cầm.
Mặc dù tình hình bệnh trên đàn vật nuôi trong tỉnh được kiểm soát tốt và không gia tăng, nhưng không vì thế mà ngành chăn nuôi Cà Mau lơ là, chủ quan nhất là khi nắng nóng, sức đề kháng của đàn vật nuôi yếu, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh.
Người nuôi heo tại huyện U Minh, Cà Mau chủ động vệ sinh chuồng trại khu chăn nuôi mùa nắng nóng. Ảnh: ST
Để chủ động, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau luôn đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao như các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm,…Bên cạnh đó, người nuôi cũng được khuyến cáo mua con giống ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Ðặc biệt, con giống mới mua về cần được nuôi cách ly trước khi nhập đàn từ 15 – 20 ngày, đồng thời người nuôi cũng được khuyến cáo tiêm phòng định kỳ đầy đủ cho đàn vật nuôi.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa nắng nóng năm nay sẽ kết thúc muộn hơn so với mọi năm. Từ nay đến giữa tháng 5, khu vực này vẫn còn những đợt nắng nóng trên diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất trong ngày được dự báo từ 35 – 380C, có nơi trên 380C. Do vậy, các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện biện pháp chống nắng nóng theo khuyến cáo của ngành chức năng, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)