Chính sách hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin viêm da nổi cục: Giúp nông dân bảo vệ tốt đàn vật nuôi

Ðầu năm 2024, tỉnh Bình Định triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin viêm da nổi cục cấp về các địa phương tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc. Nhờ đó, người chăn nuôi đã tích cực đăng ký tiêm cho trâu, bò để bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi của mình.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Từ năm 2023 về trước, cơ chế hỗ trợ vắc xin viêm da nổi cục là tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại do người chăn nuôi đối ứng. Tuy nhiên, vắc xin viêm da nổi cục có giá khá cao (khoảng 35.000 đồng/liều), người chăn nuôi trâu, bò phải đối ứng 17.500 đồng/liều. Số tiền này, người chăn nuôi ở huyện đồng bằng có khả năng chi trả, nhưng với hộ chăn nuôi là người dân tộc thiểu số ở miền núi thì tương đối khó.

hỗ trợ 100% vaccine viêm da nổi cục

Nhân viên thú y cơ sở tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn bò ở TX An Nhơn. Ảnh: T.LỢI

Thực tế cho thấy, trâu, bò được nuôi nhiều tại các huyện trung du và miền núi trong tỉnh. Vì vậy, khoản tiền đối ứng là rào cản với hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vắc xin, dẫn đến tỷ lệ tiêm vắc xin không đạt yêu cầu. Do đó, khi bệnh viêm da nổi cục xảy ra khiến tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Để bảo vệ đàn vật nuôi tốt hơn, ngày 5.1.2024, UBND tỉnh ban hành quyết định về cơ chế hỗ trợ vắc xin và tiền công tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người chăn nuôi ở 3 huyện miền núi: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin viêm da nổi cục. Huyện trung du Hoài Ân được ngân sách tỉnh chi trả 75% kinh phí mua vắc xin, ngân sách huyện chi trả 25% kinh phí còn lại. Các huyện, thị xã còn lại, ngân sách tỉnh chi trả 50% kinh phí mua vắc xin, 50% kinh phí còn lại do ngân sách các huyện, thị xã chi trả. Riêng TP Quy Nhơn, ngân sách thành phố bảo đảm chi trả 100% kinh phí mua vắc xin để hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Chị Nguyễn Thị Bích Phượng, ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) chia sẻ, gia đình đang nuôi 2 con bò sinh sản và vừa được nhân viên thú y xã hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Đợt tiêm lần này, nhà nước hỗ trợ 100% tiền thuốc tiêm, thay vì 50% như năm 2023, gia đình chỉ thanh toán tiền công theo quy định.

Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, toàn huyện có 25.900 con trâu, bò. Từ năm 2023 về trước, mỗi năm, huyện đối ứng từ 450 – 500 triệu đồng kinh phí mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Năm 2024, chính sách hỗ trợ thay đổi, mức đối ứng của địa phương từ 50% giảm còn 25%. Đáng mừng là khi tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò, người chăn nuôi không tốn tiền, điều đó giúp bà con tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ khi chăm sóc, phòng bệnh cho trâu, bò.

Tuy Phước là địa phương có tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục đạt tỷ lệ cao. Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, cho hay: Tổng đàn trâu, bò ở huyện hơn 16.000 con, đến nay, có hơn 12.000 con được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Trong đó, Phước Hòa là xã có tỷ lệ tiêm phòng đạt cao với hơn 90%. Ông Lê Ngọc Sơn, nhân viên thú y xã Phước Hòa, xác nhận toàn xã có 815 con trâu, bò. Với việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và chính sách hỗ trợ kinh phí mua vắc xin được tỉnh “mở” theo cơ chế hỗ trợ 100%, người chăn nuôi hăng hái đăng ký tiêm. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò ở địa phương chưa xảy ra. Hiện nay, xã đang tiếp tục rà soát để tiêm phòng cho số lượng bê, nghé mới sinh và số trâu, bò đã hết thời hạn miễn dịch sau khi tiêm.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết thêm: Toàn tỉnh có hơn 300 nghìn con trâu, bò; hơn 654 nghìn con heo (không tính heo con theo mẹ) và gần 9.700 con gia cầm. Để bảo toàn đàn vật nuôi, hằng năm, Bình Định chi ngân sách từ 12 – 14 tỷ đồng để mua hỗ trợ các loại vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm cấp cho các địa phương tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, có gần 89.000 con trâu, bò trong tỉnh đã tiêm vắc xin viêm da nổi cục, đạt tỷ lệ gần 30% tổng đàn. Hiện Chi cục tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho gia cầm nuôi mới, tái đàn và tiêm vắc xin phòng viêm da nổi cục cho bê, nghé mới sinh và cả trâu, bò chưa tiêm phòng hoặc hết thời gian miễn dịch. Bên cạnh chính sách hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh trong vùng, địa phương. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ vắc xin, cũng như vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Từ đó, đàn vật nuôi được bảo vệ tốt hơn, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh cũng sẽ hạn chế.

TRỌNG LỢI

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *