Dám đương đầu với khó khăn để chọn hướng đi mới trong chăn nuôi và mạnh dạn đầu tư, đến nay, chị Trương Thị Thơ (SN 1980), tổ dân phố Nghĩa, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thành công, thu lãi tiền tỷ với mô hình nuôi chim bồ câu, chim gáy.
Trước đây, gia đình chị Thơ nuôi lợn nhưng đúng lúc giá lợn hơi xuống thấp, tiền bán ra không bù đủ chi phí mua cám nên chị quyết định dừng lại để tìm hướng đầu tư mới. Đầu năm 2016, được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn tư vấn, chị Thơ làm thủ tục và được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để nuôi chim bồ câu.
Cùng với số tiền tích cóp từ trước, chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 100 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, cách phòng dịch bệnh nên chỉ 3 tháng, đàn chim mắc bệnh và chết hàng loạt. “Từ 300 cặp chim khỏe mạnh, tôi chỉ còn vẻn vẹn 50 cặp. Số tiền đã bỏ ra không nhỏ lại có nguy cơ mất trắng nên thất bại ngay lần đầu đã khiến tôi chán nản”, chị Thơ nhớ lại.
Năng động chuyển đổi nghề, chị Thơ làm giàu từ mô hình nuôi chim.
Được sự động viên của gia đình và tiếc công xây dựng chuồng trại, chị quyết tâm làm lại lần hai. Lần này (năm 2018), chị quyết định dồn toàn bộ vốn liếng, vay mượn thêm người thân, bạn bè đầu tư gần 1 tỷ đồng mở rộng thành khu chăn nuôi khép kín, nuôi 500 đôi chim bồ câu Pháp và 700 đôi chim cu gáy. Rút kinh nghiệm từ thất bại ở lần nuôi trước, chị chịu khó học hỏi từ sách báo, những đợt tập huấn của địa phương và đi tham quan nhiều mô hình trong, ngoài huyện để tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thành công. Vừa học, vừa làm, tự rút ra kinh nghiệm, tay nghề nuôi chim của chị Thơ ngày càng tiến bộ.
Đến nay, chị có khoảng 1,3 nghìn đôi chim bồ câu và 1,5 nghìn đôi chim cu gáy. Cứ sau khoảng 35 – 40 ngày, chim bố mẹ sinh sản một lứa, chị Thơ vừa xuất bán chim non làm giống, vừa gối lứa để nuôi chim thịt. Hiện bình quân mỗi tháng, gia đình chị xuất ra thị trường 6 nghìn con chim thương phẩm và hàng nghìn chim giống; trừ chi phí, tiền lãi thu về gần 100 triệu đồng/tháng.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chũ tham quan mô hình nuôi chim của gia đình chị Thơ (bên phải).
Chia sẻ về kinh nghiệm thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi chim, chị Thơ nói: “Để chim có sức đề kháng tốt, ngay từ khi mới nở, tôi đã phòng dịch bệnh bằng cách cho chim uống thuốc, tiêm vắc xin định kỳ 2 lần/năm. Vào mùa hè, tôi còn pha nước điện giải, giúp chim kích thích thèm ăn. Ngoài ra, người chăn nuôi phải cực kì chú trọng khâu tổng vệ sinh (dọn phân chim, vãi vôi bột khử trùng…”.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Thơ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, thậm chí cho vay vốn không lấy lãi, tặng chim giống cho hội viên thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong thị trấn. Chị Vương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chũ cho biết: Chị Thơ là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn. Hiện chị và một số hội viên đang ấp ủ liên kết thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau cùng làm kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.