Hai nhà khoa học của Phân viện Thú y miền Trung vừa đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ X về đề tài “Nghiên cứu phân lập, định danh một số loài nấm da ở dê, thỏ, chó và chế tạo thuốc trị nấm, xây dựng quy trình phòng trị bệnh”. Đề tài có giá trị thực tiễn sản xuất, tìm và tạo ra thuốc kháng nấm da hiệu quả trên một số loài vật nuôi tiêu biểu.
Tìm ra các loài nấm da gây bệnh
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân – nguyên Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung – trưởng nhóm đề tài, ở nước ta, mặc dù bệnh nấm da trên dê, thỏ và chó khá phổ biến, song các công trình nghiên cứu về bệnh này còn khá ít ỏi. Vì thế, chưa có thông tin đầy đủ về bệnh, loài nấm, thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như quy trình phòng bệnh… Công trình của nhóm nghiên cứu một cách có hệ thống về bệnh nấm da trên vật nuôi; xác định đặc điểm dịch tễ học, thành phần loài; chế tạo thành công 2 loại thuốc trị nấm da và xây dựng được quy trình phòng trị bệnh nấm da ở dê, thỏ, chó.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân (bên phải) và cộng sự kiểm tra lô hàng thuốc chống nấm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tân, đề tài lần đầu tiên kết hợp phương pháp định danh loài nấm bằng hình thái học và sinh học phân tử (giải trình tự gen ITS-1) – phương pháp nghiên cứu khá mới, hiện đại mà phân viện gần đây được đầu tư trang thiết bị. Phân tích vùng giao gen ITS-1 cho thấy, các loài nấm da có nguồn gốc và trên các đối tượng là khác nhau, nhưng chúng có mức độ tương đồng rất cao về tính di truyền. Các loài nấm có nguồn gốc khác nhau nhưng đều phát sinh cùng 1 nhánh trên cây phả hệ. Trình tự các đoạn gen của các loài nấm ở Việt Nam được gửi lên ngân hàng gen thế giới, có ý nghĩa khoa học cho ngành ký sinh trùng học – thú y.Qua nghiên cứu cho thấy, dê và thỏ nhiễm 6 loài nấm da (A. flavus, T. mentagrophytes, M.gypseum, C.tropicalis, P.aculeatum và M. plumbeus); chó nhiễm 8 loài nấm da (6 loài nêu trên và 2 loài P.citrinum, A. niger).
Sản xuất 2 loại thuốc trị bệnh
Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công 2 loại thuốc trị nấm da ở dê, thỏ và chó dạng xịt. Các loại thuốc này được chế tạo dựa trên đặc điểm gây bệnh, khả năng lây lan của các loài nấm trên động vật. Theo đó, thuốc Fungi.IV có hoạt chất chính là Clotrimazole 1%; thuốc Miconazole.IV hoạt chất chính là Miconazole 2%. Cả 2 loại thuốc đều được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2 (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá đạt yêu cầu. Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình phòng, trị bệnh nấm da ở dê, thỏ và chó; điều trị bệnh nấm da bằng cách kết hợp 2 loại thuốc: Fungi.IV, ngày 1 lần vào buổi sáng và Miconazole.IV, ngày 1 lần vào buổi chiều. Liệu trình điều trị 7 ngày có hiệu quả điều trị nấm da đạt 93,3 – 100%. Kết hợp khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi để diệt bào tử nấm ở môi trường bằng các hóa chất: Iodine 10% pha 10ml/lít nước; Cloramin B pha 5g/lít nước; Benkocid 5 ml/lít nước; phun ngày 2 lần, kéo dài trong thời gian 7 ngày điều trị.
Theo các tác giả, kết quả nghiên cứu đã áp dụng tại một số địa phương và được phản hồi tốt, như: Quy trình thực hiện khá đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả cao, không cần trang thiết bị hiện đại. Việc chế tạo thành công 2 loại thuốc trị nấm da hiệu quả, an toàn, dễ sử dụng, giá thành thấp là cơ sở khoa học để khuyến nghị người dân áp dụng phòng trị bệnh nấm da cho dê, thỏ và chó nhằm góp phần giảm thiểu tỷ lệ nhiễm bệnh trên động vật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
V.L
Nguồn: Báo Khánh Hòa