(Người Chăn Nuôi) – Công ty Grassa, Hà Lan đã tìm ra phương pháp độc đáo để chế biến và giải phóng toàn bộ giá trị dinh dưỡng của cỏ, biến chúng thành nguồn thức ăn có giá trị cho nhiều loài vật nuôi. Theo Rieks Smook, Giám đốc điều hành Grassa, protein cỏ không chỉ phù hợp với động vật nhai lai, mà còn có thể sử dụng làm thức ăn cho nhiều vật nuôi khác, thậm chí cả con người.
Lợi ích dinh dưỡng
Nói về quy trình chế biến tại Grassa, Smook mô tả: “Nói một cách đơn giản, chúng tôi ép cây cỏ để mở của toàn bộ chất dinh dưỡng. Sau đó, tất cả tế bào được đẩy ra ngoài cùng với một nửa hàm lượng protein, đường và chất khoáng”. Về cơ bản, tất cả thành phần hòa tan của cỏ sẽ được ép ra ngoài. Bước tiếp theo là đun nóng nước ép cỏ thu được rồi lọc protein. Một bước lọc khác sẽ tách đường và khoáng chất. Phần bã cỏ còn lại là thức ăn xanh giàu dinh dưỡng cho bò. Bã cỏ cũng được đóng thành các kiện tròn và trong vòng 2 tuần sẽ được lên men để trở thành thức ăn ủ chua.
Ngoài bã khô, nước ép cỏ đậm đặc được sử dụng trong các khẩu phần khác nhau. Khi đi vào ruột của động vật nhai lai, bã cỏ khô cung cấp hàm lượng cao chất xơ trung tính (NDF). Chất xơ dễ tiêu hóa này sẽ mang lại đủ năng lượng giúp vật nuôi phát triển tốt trong môi trường có cường độ sản xuất cao. Lượng ăn vào của vật nuôi bằng cỏ ép duy trì ổn định hoặc thấp hơn không đáng kể so với cỏ ủ chua. Smook cho biết, so với cỏ ban đầu, bã cỏ đã được tách phần lớn protein nên có lượng xơ trung tính cao hơn và cấu trúc tế bào mở 90%. Do đó, bã cỏ đã tách protein hiệu quả hơn nhiều so với cỏ ban đầu. Nếu lượng protein này vẫn nằm trong cỏ, thì cũng không được tiêu hóa mà chuyển thành phân trong cơ thể bò. Phương pháp ép và tách protein từ cỏ của Grassa được đánh giá hiệu quả trong sản xuất thực phẩm và thức ăn cho sinh vật dạ dày đơn.
Trong các thử nghiệm gần đây trên bò sữa, Grassa chỉ tập trung vào giai đoạn giữa kỳ tiết sữa. Công ty vẫn đang tiến hành nghiên cứu thêm và sẽ sớm công bố những lợi ích khác của protein cỏ trong các giai đoạn khác của kỳ tiết sữa. Mức khoáng chất thấp hơn của bã cỏ rất có lợi cho khẩu phần của bò. Khi đánh giá thức ăn chăn nuôi, hiểu được tác động của chúng đối với sức khỏe đường ruột, đặc biệt là pH, trong dạ cỏ sẽ đảm bảo đường ruột hoạt động đầy đủ chức năng ở mức khỏe mạnh. Vi khuẩn trong dạ cỏ vẫn có thể giúp tiêu hóa hiệu quả và duy trì sự ổn định của dạ cỏ. Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy khi so sánh với cỏ ủ chua, bã cỏ tươi có pH và khả năng sản sinh axit béo dễ bay hơi đều tương tự. Bã cỏ cũng là một chất thay thế tiềm năng cho các sản phẩm khác trong khẩu phần ăn của vật nuôi như đậu tương, giúp người chăn nuôi tại châu Âu giảm phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu.
Bền vững
Đậu tương là thành phần phổ biến trong khẩu phần của nhiều vật nuôi vì đây là nguồn cung axit amin thiết yếu. Tùy thuộc vào cách kết hợp đậu tương để có mang lại protein chất lượng cao, dễ tiêu hóa và protein hòa tan, năng lượng, chất béo, xơ. Ngoài ra, vỏ đậu tương cung cấp chất xơ dễ tiêu và có thể dùng làm thức ăn thô. Ở các nước châu Âu, bã cỏ được đánh giá bền vững hơn đậu tương. Khi sử dụng bã cỏ, các hãng sản xuất có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương. Ngoài bã ép cỏ, Grassa còn sản xuất protein cỏ chất lượng hơn đậu tương vì lượng axit amin thiết yếu cao hơn 17% so với đậu tương.
Protein cỏ ở sinh vật dạ dày đơn cũng dễ tiêu hóa tương tự đậu tương. Do đó, protein cỏ được xem là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho đậu tương trong khẩu phần của heo và gia cầm. Bã cỏ cũng làm giảm lượng khí methane thoát ra hiệu quả hơn so với ngũ cốc và đậu tương nhờ hiệu quả dinh dưỡng cao và ít lãng phí. Bò được cho ăn bã cỏ sẽ thải ra ít amoniac và phosphate hơn.
Grassa đang thực hiện những bước đầu tiên trong nghiên cứu về khả năng tiêu hóa ở gia súc để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. Công ty cho biết, protein được tách ra từ cỏ ép có khả năng tiêu hóa rất cao. Nghên cứu của Grassa cho thấy, mặc dù đã loại bỏ protein, đường và khoáng chất, nếu thay thế cỏ thông thường bằng bã cỏ và cho ăn tới 60% thì sản lượng sữa và thịt vẫn giữ nguyên, thậm chỉ có thể cải thiện, trong khi lượng khí thải và phân sẽ giảm khoảng 30%.
Tận dụng nguồn cỏ dồi dào tại địa phương còn giúp các hãng sản xuất tại châu Âu cắt giảm chi phí vận chuyển đậu tương nhập khẩu.
Đan Linh
(Theo Allaboutfeed)