Châu Á chạy đua sản xuất trứng gà hạnh phúc

(Người Chăn Nuôi) – Sản xuất trứng gà hạnh phúc bằng mô hình không sử dụng lồng ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại châu Á, rất nhiều hãng bán lẻ, dịch vụ ẩm thực cam kết chuyển đổi sang loại trứng này.

Doanh nghiệp lớn vào cuộc

Dairy Farm, một chuỗi bán lẻ nổi tiếng tại châu Á mới đây đã đặt mục tiêu cải thiện phúc lợi của gà đẻ trên toàn châu Á và giúp khách hàng nhận ra lợi ích của trứng gà không lồng. Hãng dự kiến ra mắt trứng không lồng thương hiệu Meadows tại Hồng Kông và Singapore. Tuy nhiên, trứng gà không lồng thường đắt hơn trứng gà thông thường khoảng 20%, nên sản phẩm này muốn thu hút được người tiêu dùng thì trước tiên phải có giá cạnh tranh hơn. Cùng với kế hoạch này, các nhà hàng Ikea ở Hồng Kông và Đài Loan của Dairy Farm cũng sẽ giới thiệu trứng không lồng vào cuối năm nay. Ian McLeod, Giám đốc điều hành Dairy Farm cho biết: “Hai sáng kiến trên khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ cải thiện chuỗi cung ứng”. Giúp Dairy Farm thực hiện được cam kết trên là Tổ chức Humane Society International.

Dairy Farm và Tesco cùng Accor, Hyatt Hotels, Marriott, Sodexo, Compass Group, Nestlé và hãng bán lẻ hàng đầu châu Á như The Lo & Behold Group, Privé và SaladStop thúc đẩy sử dụng trứng không lồng. Điều này chứng tỏ rằng, nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á không hoàn toàn do người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của phúc lợi động vật. Thay vào đó, nhu cầu được thúc đẩy nhờ vào sự chạy đua quyết liệt của các chuỗi bán lẻ, dịch vụ ẩm thực và các hãng kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Nhu cầu này thu hút các nhà cung cấp trong nước và quốc tế như CP Foods, Betagro, San Miguel Corporation và Bounty Fresh ở Đông Nam Á. Riêng CP Foods (Thái Lan) đặt mục tiêu tăng sản lượng trứng gà không lồng lên 10 triệu quả vào cuối năm 2020 khi nhận thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp phục vụ dịch vụ ăn uống ngày càng có ý thức hơn trong việc sản xuất thực phẩm có đạo đức. Công ty này đã xây dựng cơ sở sản xuất trứng gà không lồng tại tỉnh Saraburi vào năm 2018 làm trại thí điểm khép kín, mật độ 7 con gà/m2, trong khi tiêu tiêu chuẩn của Mỹ và EU là tối đa 9 con. 

Ở Malaysia, đầu năm ngoái, Liang Kee Farming đã trở thành trang trại trứng gà đầu tiên ở Đông Nam Á có sản phẩm trứng gà được cấp chứng nhận phúc lợi động vật từ Humane Farm Animal Care, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ.

gia cầm hạnh phúc

Nhiều hãng gia cầm lớn ở châu Á đang hướng tới sản xuất trứng gà không lồng

 

Trung tâm đào tạo

Sản xuất trứng gà không lồng, tuy nhiên, lại không đơn giản và phát sinh nhiều vấn đề phúc lợi động vật nếu như không quản lý tốt đàn gà mái, theo Jayasimha Nuggehalli, COO của Đối tác thực phẩm toàn cầu (GFP), một hãng tư vêën vï chuỗi cung ứng của Singapore. Một khía cạnh quan trọng để cải thiện phúc lợi động vật là nâng cao kiến thức cho nông dân về những phương pháp thực hành chăn nuôi tốt nhất và cung cấp cho họ các dịch vụ đào tạo để họ tự chăn nuôi được. Quản lý đàn gà mái rất phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố, gồm quản lý tốt và tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao, theo Nuggehalli. Do đó, nông dân cần được tham gia thực tiễn, hướng dẫn kỹ thuật, khoanh vùng và cung cấp chuyên môn để tiến hành chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Nếu không làm được những điều này, nông dân sẽ đối mặt nguy cơ thất bại.

Để hỗ trợ ngành trứng gia cầm châu Á suốt giai đoạn chuyển đổi và xây dựng cơ sở hạ tầng, GFP phối kết hợp với các hãng sản xuất trứng hàng đầu châu Á thành lập các trung tâm đào tạo về sản xuất trứng gà không lồng tại Trung Quốc và Indonesia, hai quốc gia đứng thứ nhất và thứ 7 thế giới về sản xuất trứng gia cầm. Hai trung tâm dự kiến hoạt động vào cuối năm nay.

CFP và Đại học Khoa học Ứng dụng Aeres của Hà Lan đã thỏa thuận thành lập một trung tâm đào tạo và mô hình trang trại sản xuất trứng không lồng ở Indonesia vào tháng 5/2020. Trang trại này áp dụng các phương pháp thực hành tốt nhất và chiến lược tăng cường phúc lợi động vật như tiêu chuẩn HFAC.

Theo Nuggehalli, trung tâm đào tạo sẽ là một lợi ích lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm ở châu Á để nâng cao kỹ năng và kiến thức về các phương pháp quản lý và sản xuất trứng có phúc lợi cao hơn. Tương tự, trung tâm ở Trung Quốc cũng sẽ cung cấp các khóa đào tạo thực hành sản xuất và phục vụ như một trang trại kiểu mẫu.

 

Nông dân do dự

Quá trình chuyển đổi sang hệ thống sản xuất trứng gà không chuồng lồng ở Indonesia có thể mất nhiều thời gian hơn bởi nông dân vẫn còn khá thờ ơ. Mặc dù thu nhập khả dụng đang tăng lên, nông dân tại quốc gia này vẫn cho rằng, nhận thức của người tiêu dùng về phúc lợi động vật vẫn còn thấp nên họ vẫn duy trì thói quen ăn trứng gà thông thường.

Hãng sản xuất trứng Greater Jakarta cho biết, trứng gà hạnh phúc có chỗ đứng tại các nước phát triển. Nhưng ở Indonesia, ai sẽ mua chúng? Nếu có một chuỗi siêu thị muốn tìm nguồn cung trứng gà không lồng thì nhu cầu sẽ lớn như thế nào và đầu tư có đáng không? Đó là điều băn khoăn, không chỉ của Greater Jakarta mà nhiều hãng trứng gia cầm khác.

Greater Jakarta cho rằng, trứng gà không lồng chưa chắc tốt hơn trứng thông thường. Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là trong hệ thống không lồng, gà đẻ trứng trên sàn nên trứng sẽ bị dính bẩn. Đối với Greater Jakatar, thì hệ thống gà lồng truyền thống vẫn không thể thay thế. Một nông dân khác ở East Java cho biết, không có hứng thú với trứng gà không lồng bởi hệ thống này chỉ mang lại lợi ích cho các tổ chức phúc lợi động vật. Nếu chúng tôi muốn chuyển đổi, chúng tôi sẽ phải trả phí chứng nhận.

>> Chuyển đổi sang hệ thống trứng gà không lồng sẽ là lựa chọn của người nông dân. Nếu nhìn thấy lãi họ sẽ đi theo xu hướng mới này.

Tuấn Minh

(Theo InternationalPoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *