(Người Chăn Nuôi) – Phụ gia thức ăn đang được xem là giải pháp hữu hiệu để cắt giảm khí thải metan nhằm xây dựng ngành chăn nuôi xanh trên phạm vi toàn cầu.
Tại sự kiện COP28 giữa tháng 7/2024, sáu công ty chăn nuôi bò sữa lớn nhất thế giới gồm Denoe, Nestle, General Mills, Lactalis USA, Kraft Heinz và Bel Group đã thống nhất báo cáo khí thải và công bố kế hoạch hành động nhằm cắt giảm metan. Về lâu dài, khí metan tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn so với CO2 và các trang trại bò sữa phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho lượng khí thải này. Theo công ty di truyền học chăn nuôi Semex, lượng khí thải metan nói trên có thể được cắt giảm 20 – 30% thông qua chọn lọc gen trong vòng 25 năm tới. Tuy nhiên, giải pháp hữu hiệu trước mắt và đang được sử dụng là phụ gia thức ăn chăn nuôi gồm rong biển, chất ức chế metan, tinh dầu, axit hữu cơ, probiotic và chất kháng khuẩn.
Giải pháp từ rong đỏ
Tổ chức nghiên cứu về các giải pháp dinh dưỡng chăn nuôi cho tương lai, FutureFeed – mạng lưới hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Hiệp hội Sản xuất thịt và Chăn nuôi Australia cùng Đại học James Cook, đang nắm quyền sở hữu trí tuệ về ứng dụng rong đỏ (Asparagopsis) làm nguyên liệu thức ăn và đã cấp phép lưu hành sản phẩm cho công ty Sea Forest tại Tasmani, Australia. Sea Forest sản xuất hợp chất rong đỏ Asparagopsis thành sản phẩm tinh dầu, viên hoặc khối để bán ra thị trường dưới thương hiệu Seafeed.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một lượng nhỏ Seafeed có thể làm giảm 43 – 80% khí metan trong chăn nuôi. Sea Forest đang hợp tác với Fonterra, hãng sữa lớn nhất Australia trong nhiều thử nghiệm về phụ gia thức ăn làm giảm metan từ năm 2020. Phụ gia rong đỏ được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi tại Australia suốt 4 năm qua, theo Sam Elsom, Giám đốc điều hành Sea Forest. Công ty có khả năng cung ứng sản phẩm cho 4 triệu đầu con gia súc mỗi năm và đang đàm phán với khách hàng triển vọng ở châu Âu, Anh và nhiều nơi khác. Ashgrove Eco-Milk, sản phẩm sữa thương mại đầu tiên trên thế giới có nguồn gốc từ bò được nuôi bằng phụ gia rong đỏ đã ra mắt thị trường Australia vào tháng 3/2024.
Tại Australia, CH4 Global cũng giới thiệu sản phẩm “Methane Tamer” và tuyên bố kế hoạch xây dựng cơ sở nuôi trồng rong đỏ thương mại đầu tiên trên thế giới. Nhà máy dự kiến vận hành vào cuối năm 2024 và sản xuất đủ Methane Tamer cho 30.000 con gia súc mỗi ngày. Trong dự án hợp tác với CirPro vào tháng 1/2024, CH4 Global đã chính thức ứng dụng Methane Tamer vào thức ăn chăn nuôi. Công ty ngỏ ý cung cấp Methane Tamer cho Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc và Ravensworth của Australia.
Công ty startup Rumin8 tại Australia đang thử nghiệm hợp chất hoạt tính tribro-momethane trong rong biển đỏ làm giảm tới 90% khí thải metan. Rumin8 đang phát triển sản phẩm tan trong nước (phụ gia ăn qua đường uống), dầu, chất rắn (để trộn lẫn với thức ăn tổng hợp) và dạng sản phẩm giải phóng chậm. Quy trình đăng ký sản phẩm đầu tiên dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2025.
Châu Âu và Bắc Mỹ
Làn sóng phát triển ngành chăn nuôi xanh đang lan rộng sang châu Âu và Bắc Mỹ. Sản phẩm bột rong đỏ dạng Lome của hãng Volta Greentech có thể làm giảm 70 – 90% khí thải metan trong trại nuôi bò. Theo Volta Greentech, thịt bò được nuôi bằng phụ gia làm giảm khí metan, còn gọi là bò Lome đã có mặt trên thị trường 2 năm, đang được tiêu thụ tại 23 cửa hàng bán lẻ và nhiều nhà hàng tại Thụy Điển. Thành quả này có được dựa trên hợp tác với nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng, như công ty chăn nuôi bò Protos và hãng bán lẻ Coop and Axel Johnson Group.
Sau khi thử nghiệm thành công, Volta Greentech ký hợp đồng với Protos để cung ứng lượng lớn phụ gia rong đỏ. Trước mắt, Volta tập trung sản xuất phụ gia rong đỏ cho bò thịt, sau đó sẽ mở rộng sang bò sữa.
Công ty Synergraze tại Canada công bố quy trình độc quyền giúp cải thiện hoạt tính sinh học của nhiều chủng rong đỏ, gồm những giống bản địa của vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Synergraze đang hợp tác với T’Souke First Nation để sản xuất thử nghiệm phụ gia rong đỏ. Tại Mỹ, hai công ty ở Hawaii đang tiếp thị sản phẩm rong là Symbrosia và Blue Ocean Barns.
Hãng DSM tung ra thị trường sản phẩm Bovaer 10 chứa 10% 3-NOP. Phân tử 3-nitrooxypropanol (3-NOP) ức chế enzyme MCR (methyl-coenzyme M reductase) tham gia trực tiếp vào quá trình tổng hợp sinh học và ôxy hóa kỵ khí metan trong dạ cỏ. Sản phẩm này giảm trung bình 30% khí thải metan từ trại nuôi bò sữa và 45% từ trại nuôi bò thịt và đang lưu hành khắp châu Âu, Mỹ, Brazil, Chile, Pakistan, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hướng đi mới
Công ty Mootral tại Anh giới thiệu phụ gia thức ăn tự nhiên có khả năng làm giảm khí thải metan từ ngành chăn nuôi gia súc. Sự kết hợp theo công thức độc quyền giữa tỏi (Allium sativum) và chiết xuất chanh (Citrus aurantium) đã biến đổi tích cực hệ vi sinh dạ cỏ, làm giảm sản sinh khí metan mà không ảnh hưởng đến sức khỏe hay sự phát triển của động vật. Các nghiên cứu mở rộng cho thấy lượng khí metan cắt giảm 38% tại các trang trại chăn nuôi công nghiệp.
Tỏi và chanh cũng cải thiện sức khỏe của vật nuôi và tăng sản lượng sữa. Tỷ lệ mắc bệnh viêm vú và sốt sữa ở đàn bò được cho ăn phụ gia Mootral giảm đáng kể lần lượt 18% và 35%. Điều này cải thiện sức khỏe của vật nuôi, đồng thời tăng sản lượng sữa 3,3% tới 17,8% (1 lít/con bò/ngày).
Cơ sở Provimi của Cargill tại Anh đang tiếp thị sản phẩm SilvAir có tác dụng giảm phát thải khí metan qua đường ruột (CH4) tới 10%. Giải pháp này sử dụng công nghệ độc quyền của châu Âu với khả năng kích thích quy trình tự nhiên trong dạ cỏ, tạo ammonia từ hydrogen thay vì trở thành khí metan. Sau đó, lượng ammonia này được sử dụng để sản sinh protein sữa. Cargill đề xuất bổ sung phụ gia ở mức tối đa 1,6% tổng vật chất khô. Đây là tỷ lệ an toàn và cho hiệu quả cao khi kết hợp với thức ăn công nghiệp.
Một nhóm nhà khoa học từ Đại học nghiên cứu y học Volga tại Nga đã phát triển phụ gia từ rác thải gỗ có thể làm giảm 30% khí thải metan trong chăn nuôi bò sữa, đồng thời tăng 12% sản lượng sữa. Các nhà khoa học ở Serbia phát hiện tảo nâu, tỏi và tannin có thể giảm phát thải khí metan. Dự án do Chính phủ Ireland tài trợ Meth-Abate tập trung đánh giá và phát triển thức ăn tiềm năng, phụ gia phân hữu cơ, hướng đến mục tiêu giảm 28% khí thải metan ở trại nuôi bò thịt
Tuấn Minh
(Theo Allaboutfeed)