(Người Chăn Nuôi) – Mặc dù còn nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nhưng sản xuất chăn nuôi thời gian qua cơ bản vẫn ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần dành cho xuất khẩu.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong 10 tháng đầu năm 2023, nhìn chung đàn gia súc và gia cầm phát triển ổn định. Chăn nuôi heo có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá heo hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng không đáng kể. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng. Ước tính tổng đàn heo của cả nước tính đến cuối tháng 10/2023 tăng khoảng 3,4%; đàn gia cầm tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm lĩnh vực chăn nuôi tại Hà Nội sáng 27/11/2023. Ảnh: Thùy Khánh.
Giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 11 năm 2023 ước đạt 298 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng đầu năm 2023 lên 2,58 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 891 triệu USD, giảm 10,8%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 3,6%.
Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm lĩnh vực chăn nuôi diễn ra sáng 27/11/2023 tại Hà Nội, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đánh giá: Chăn nuôi của nước ta đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị. Đây là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Thắng, hiện nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, dù đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Ngoài ra, việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cũng gặp rào cản do giá thành sản xuất trong nước vẫn ở mức cao, sự biến động của tình hình xung đột quân sự Nga – Ukraine; Israel; lạm phát trên thế giới…
“Thời gian tới, Cục Chăn nuôi tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng xã hội; Tập trung nguồn lực để xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng…”, ông Thắng cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp, giá trị các sản phẩm chăn nuôi duy trì tăng trưởng ổn định, tổng đàn heo tăng 3,4%; gia cầm tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những điểm sáng đáng ghi nhận. Mặc dù chăn nuôi gặp những khó khăn, thách thức về thị trường, nhưng toàn ngành đã nỗ lực để đáp ứng các mục tiêu chung đã đề ra.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi vẫn cần đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, nhất là tình hình dịch tả heo châu Phi hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Cục Chăn nuôi cần rà soát xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bởi đây là thước đo để vận hành các công việc hiệu quả.
Thùy Khánh