Chăn nuôi theo hướng hàng hóa: Kỳ vọng động lực mới

(Người Chăn Nuôi) – Năm 2019 ngành chăn nuôi gặp khó khăn lớn với hàng loạt các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, giá cả… Nhưng vượt lên trên tất cả là sự nỗ lực của toàn ngành để duy trì đà tăng trưởng, Luật chăn nuôi đi vào cuộc sống sẽ từng bước tháo gỡ những tồn tại thời gian qua… Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (ảnh) với PV Người Chăn nuôi nhân dịp Xuân canh tý 2020.

Thứ trưởng có thể chia sẻ những kết quả chính của ngành chăn nuôi trong năm 2019 trên phương diện đánh giá những việc đã làm và chưa làm được của ngành?

Năm qua nhìn chung là năm khó khăn của ngành chăn nuôi, cụ thể, dịch bệnh, đặc biệt là ASF, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu… Nhưng phải nói ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã họp và nhận dạng được các khó khăn thách thức, đề xuất được những giải pháp rất sát thực tiễn. Kể cả tham mưu chính sách cũng như chỉ đạo. 2019 là một năm đối diện với ASF hết sức khốc liệt, nhưng từ 1/2/2019 khi xảy ra ở Hưng Yên, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra được các văn bản như Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 34 của Ban Bí thư rồi hàng loạt các văn bản, ví dụ Nghị quyết 16, Nghị quyết 42, Quyết định 793 cùng một loạt các hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật. Đến bây giờ, dịch bệnh đã được thu hẹp rất nhiều, hiện tại đã có 16 tỉnh, 85% số xã vượt qua 30 ngày, 2 tỉnh hết dịch là Hưng Yên và Hải Dương. Các mô hình về an toàn sinh học dùng chế phẩm nâng cao sức đề kháng được nhân rộng sản xuất và căn cứ thực tiễn, căn cứ khoa học cho các tỉnh ra văn bản tái đàn trước đây khoảng 2 – 3 tháng.

 Hiện tại, theo báo cáo của các tỉnh, cả nước vẫn còn 25 triệu con heo; 109 nghìn heo ông bà cụ kỵ vẫn được giữ. Cả nước mất đi 10% tổng đàn heo và ngay từ khi xảy ra dịch, các chính sách trong Nghị quyết 42 và 793 đã giải quyết, hỗ trợ được cho rất nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại, doanh nghiệp đều được hỗ trợ. Ban đầu, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo phải tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, thứ nhất là tăng chăn nuôi đại gia súc, gia súc ăn cỏ; thứ hai, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm và nâng cao được năng lực nuôi trồng thủy sản.

 Đến hết tháng 12/2019, dự kiến sản lượng gia cầm tăng 13 – 14%; tăng 150.000 tấn thịt gia cầm, trứng tăng so với năm 2018 là khoảng 2 tỷ quả, tương ứng 100 nghìn tấn. Tính chung gia cầm đã tăng được 250 nghìn tấn thương phẩm; Thịt bò tăng 6 nghìn tấn, dê, cừu tăng 5 nghìn tấn (tổng cộng 11 nghìn tấn), như vậy tăng tổng cộng 261 nghìn tấn. Riêng thủy sản tăng 130 nghìn tấn. đây là số liệu hết tháng 11, còn tổng cộng 1 lượng sản xuất ra năm nay đại gia súc, gia cầm, kể cả thủy sản là tăng khoảng trên 400 nghìn tấn, sẽ bù đắp vào phần thiếu thịt heo do ASF gây ra.

Về luật pháp, lần đầu tiên chúng ta có Luật Chăn nuôi và năm nay đã thể chế hóa và hướng dẫn thực thi Luật Chăn nuôi bằng một Nghị định và một Nghị định xử phạt, 4 Thông tư được ban hành. Như vậy, có một hành lang pháp lý cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp, hội nhập với quy mô hàng hóa, gắn với chế biến mà vẫn đảm bảo môi trường.

Một số sự kiện chính ngành chăn nuôi năm 2019

 

Năm 2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực có giải quyết gốc rễ những khó khăn của ngành không, thưa Thứ trưởng?

Chúng ta phải hiểu chăn nuôi nước ta là chăn nuôi tận dụng nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù sau những năm đổi mới có bước chuyển rất tích cực, đã cung cấp được cơ bản thực phẩm cho nhân dân trong nước và hướng ra xuất khẩu. Nhưng phải nói đã là chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng thì bao giờ cũng gắn với dịch bệnh và đối với ASF thì gần 100 năm nay chưa có vaccine, chưa có thuốc phòng bệnh. Với một quốc gia có đường biên giới dài như Việt Nam, thời điểm mùa cuối năm và đầu năm thường phát sinh lây lan dịch bệnh nhiều vì các hoạt động giết mổ, giao lưu được thông thương, thương mại du lịch… Đây là những khó khăn cho ngành. Cho nên, khi Luật Chăn nuôi ra đời sẽ là nền tảng thực hiện tái cơ cấu theo hướng sản xuất, hàng loạt những khó khăn vẫn còn nhưng sẽ dần dần được tháo gỡ. Nhưng cũng phải nói, có rất nhiều bệnh mới phát sinh. Tính từ đầu thế kỉ 21 tới giờ có 75% bệnh trên người là do động vật gây ra, cho nên đối đầu thách thức với chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ nhỏ lẻ, với an toàn thực phẩm, với truy xuất nguồn gốc… đó là vấn đề của ngành.

 

Để Luật Chăn nuôi đi vào đời sống tốt hơn thì ngành chăn nuôi nên làm gì để hiện thực hóa quy định trong Luật?

Chúng ta đang chuyển ngành chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô trang trại, gia trại thì ít nhất trong Luật Đất đai sắp tới như tôi đã phát biểu, là phải có đất cho chăn nuôi trong các loại đất khác để có thể tập trung xây dựng những trang trại, gia trại, để doanh nghiệp lớn có điều kiện vào cuộc. Thứ hai, có ưu đãi cho các vùng sinh thái khác nhau để huy động nguồn lực các doanh nghiệp và người dân. Thứ nữa là tất cả các quy định trong 4 Thông tư và 2 Nghị định đều được chấp hành nghiêm túc thì chúng ta sớm đưa chăn nuôi và sản xuất ra khỏi sự nhỏ lẻ và những khó khăn thách thức.

 

ASF ảnh hưởng nặng đến ngành chăn nuôi, vậy năm 2020 chúng ta nên có những biện pháp xử lý như nào để hạn chế những khó khăn từ dịch bệnh nói chung?

Qua tổng kết lại 10 tháng chống dịch thì chúng ta đã có một hệ thống các đề tài nghiên cứu hy vọng sớm có kết quả. Thứ hai là tổng kết từ thực tiễn những mô hình của hộ gia đình, gia trại, trang trại của các doanh nghiệp lớn cho thấy, việc đảm bảo an toàn sinh học là con đường duy nhất đến bây giờ có hiệu lực. Dùng chế phẩm nâng cao sức đề kháng là chúng ta hoàn toàn có thể giữ được đàn heo trước ASF. Những mô hình này rất nhiều trong thực tiễn ví dụ như: Tập đoàn Quế Lâm, Masan, Mavin, C.P. Việt Nam… Những nơi này đã triển khai rất tốt. Đến nay, người dân đã hiểu là phải làm như thế nào để đảm bảo được an toàn sinh học và mạnh dạn tái đàn. Nhiều tỉnh đã có quy định về tái đàn như: Đồng Nai đã có quy định cách đây 2 tháng, hoặc Bình Định, Thanh Hóa. Sản phẩm tái đàn theo an toàn sinh học này chắc Tết này sẽ cho ra thị trường.

 

Chúng ta đã có một số sản phẩm qua chế biến để xuất khẩu trong ngành. Trong năm 2020, chúng ta nên phát huy mặt mạnh như thế nào để việc xuất khẩu được thúc đẩy hơn?

Năm 2018 chúng ta đã xuất khẩu 8 triệu quả trứng, 30 nghìn tấn mật ong, 12 nghìn tấn thịt heo và 27 nghìn tấn thịt gia cầm. Ngoài việc chống dịch, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y xây dựng những vùng an toàn, đến nay đã có gần 1.000 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và đang phát huy hiệu quả, chúng ta đã đàm phán thương mại Việt – Trung, Việt – Nga rồi Việt – Mỹ và một số nước khác. Vừa rồi chúng ta đã xuất được hơn 50 container sữa sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, hiện chúng ta đang làm xuất khẩu yến, dự kiến đầu năm 2020 sẽ có Nghị định thư. Sắp tới đây chúng ta cũng có 2 dây chuyền xuất khẩu gà. Chúng ta đã trao đổi được với Nga, Nga đã đồng ý về mặt nguyên tắc, họ đã hướng dẫn ta về hồ sơ để cấp phép, và đồng ý tất cả các sản phẩm thịt gà được xuất cho Nhật sẽ xuất sang Nga. Tức là ta đã xúc tiến, xuất sữa, xuất gà chế biến sang Nga và các thị trường khác. Tôi tin chắc chắn rằng với Luật Chăn nuôi ra đời, có Thông tư, Nghị định hướng dẫn, có hiệu lực từ 1/1/2020 cùng với tái cơ cấu và tổng kết chiến lược 10 năm, sẽ không chỉ định hướng xuất khẩu mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

 

Ông có nhận định gì về ngành chăn nuôi trong năm 2020?

2020 là năm sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức bởi nhìn tình hình thế giới khá căng thẳng, tất cả các quốc gia, dân tộc, các khối kinh tế, người ta lập ra các hàng rào bảo hộ, hàng rào ngày càng được siết chặt. Tiếp theo là năng lực sản xuất của các quốc gia cũng đã có sự tiến bộ nhất định. Tổng thể tình hình thế giới như 2019 tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn giảm sút, đối đầu thương mại giữa các quốc gia lớn vẫn còn. Do vậy mà khó khăn thách thức rất rõ ràng, như vậy phải nói năm 2020 dự báo sẽ là một năm rất khó khăn.

Nhưng tôi tin chắc rằng với sự nỗ lực cùng chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, Trung ương Đảng và sự cố gắng của Bộ NN&PTNT, của toàn ngành thì nông nghiệp vẫn có những điều kiện thuận lợi riêng để có thể phát huy được, trong đó có chăn nuôi. Đặc biệt là năm khởi động cho kế hoạch và các Thông tư, Nghị định, đồng thời là năm tái cơ cấu lại trên cơ sở tổng kết chiến lược 10 năm nên chúng ta nhất định sẽ có những nguồn lực, động lực mới để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *