Trong những năm qua, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gặp không ít khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra. Trước thực trạng đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp giúp nông dân bảo vệ đàn vật nuôi, tăng hiệu quả đầu tư, hướng đến phát triển bền vững.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ông Võ Văn Ngọt, ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức (Nghĩa Hành), đã áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho đàn bò 8 con của gia đình. Ngoài quản lý chặt chẽ từ khâu thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin định kỳ và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, ông Ngọt còn theo dõi đàn bò hằng ngày, để sớm phát hiện, điều trị khi xảy ra bệnh.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp trang trại của anh Nguyễn Văn Danh, ở xã Đức Phú (Mộ Đức), ít bị dịch bệnh.
Ông Ngọt chia sẻ, đàn vật nuôi là tài sản lớn của nhà nông. Để chăn nuôi hiệu quả, ông luôn chú trọng đến phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tìm hiểu các bệnh thường xảy ra trên đàn bò để có hướng ngăn ngừa. Chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, phân bò phải được rải vôi hoặc ủ men vi sinh để khử khuẩn mầm bệnh, bảo vệ môi trường. "Vào mùa nắng, bò thường hay xảy ra các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, để tránh dịch bệnh, tôi cho bò trú ở bóng mát, bổ sung thêm vitamin C. Mùa đông, thì giữ ấm chuồng trại và bổ sung các men hữu cơ, tăng sức đề kháng cho bò, nhờ đó, đàn bò của gia đình tôi sinh trưởng rất tốt”, ông Ngọt nói.
Sau nhiều lần chăn nuôi gặp thất bại do dịch bệnh, anh Nguyễn Văn Danh, ở thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức), quyết định đầu tư nuôi heo, gà khép kín theo hướng an toàn sinh học. Với quy mô trại gần 2ha, mỗi năm, anh Danh thả nuôi 2.000 con heo thương phẩm và gần 20 nghìn con gà.
Hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín, cách xa khu dân cư, người và phương tiện ra vào chuồng trại phải thực hiện sát khuẩn, để loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trang trại. Nguồn giống, thức ăn, thuốc thú y được kiểm soát chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, trang trại heo, gà của anh Danh luôn khỏe mạnh, an toàn trong các đợt xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. “Để phòng, chống dịch bệnh, trang trại của tôi tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật, thực hiện sát khuẩn, vệ sinh hằng ngày và tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong quá trình nuôi vì dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Chăn nuôi an toàn sinh học sẽ phát sinh thêm chi phí so với phương pháp chăn nuôi truyền thống, nhưng tỷ lệ heo, gà nuôi sống đạt đến hơn 98%; hiệu quả của việc chăn nuôi an toàn sinh học cũng tăng rõ rệt, từ 20 – 25%. Với số lượng đàn heo, gà hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, trang trại của tôi thu về hơn 600 triệu đồng”, anh Danh chia sẻ.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có gần 9.000 con heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi, hơn 19 nghìn con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Trong khi dịch gây thiệt hại nặng nề cho hàng nghìn người chăn nuôi, thì những trang trại, gia trại, nông hộ bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học ít chịu ảnh hưởng trước dịch bệnh.
“Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống lại các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Do vậy, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, các trang trại, gia trại cần đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Riêng các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng cần chú trọng đến nguồn giống, thức ăn, thuốc thú y và thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng nuôi, đảm bảo các điều kiện để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Hạ khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hải Châu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi