(Người Chăn Nuôi) – Trải qua nhiều khó khăn trong năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn giữ vai trò trụ cột của hệ thống lương thực toàn cầu với đóng góp 40% giá trị sản lượng nông nghiệp toàn cầu và hỗ trợ sinh kế cho hơn 1,3 tỷ người.
Giá nguyên liệu thức ăn leo thang
Xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ cuối tháng 2/2022 đã khiến mùa màng tổn thất, cảng biển bị phong tỏa, các lệnh trừng phạt được áp đặt khiến giá ngũ cốc tăng vọt, kéo theo những lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực. Năm 2022, Pháp, nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất EU phải đối mặt với hạn hán làm sụt giảm sản lượng khoảng 18,5% so năm 2021. Argentina và Brazil cũng gặp nhiều trở ngại về thời tiết như khô hanh và sương giá ảnh hưởng sản lượng ngô. Tiến độ thu hoạch ngô niên vụ 2022 của Argentina cũng chậm hơn so dự kiến do thời tiết bất lợi. Ngoài ra, xung đột quân sự cũng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Giá khí đốt và điện tăng vọt vào mùa hè 2022, làm gián đoạn hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi và đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều nhà máy sản xuất hạt dầu và trại chăn nuôi tại châu Âu đứng trước nguy cơ đóng cửa, sa thải công nhân và cắt giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động.
Ngành gia cầm “nhảy vọt”
Theo dự báo của FAO, tổng sản lượng thịt gia cầm toàn cầu năm 2022 đã tăng lên 138 triệu tấn, cao hơn 0,77% so năm 2021 và mức tiêu thụ đạt 137,5 triệu tấn, tăng 0,73%. Khối lượng xuất khẩu thịt gia cầm toàn cầu dự kiến tăng 16,2 triệu tấn vào năm 2022, trong khi nhập khẩu đạt 14,9 triệu tấn. Sau COVID-19 và lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thực phẩm giá rẻ hơn, trong đó có thịt gà. Đây cũng là một trong những cú hích tăng trưởng vượt bậc của ngành gia cầm trong năm qua. Chỉ trong 2 thập kỷ, gia cầm đã trở thành mặt hàng chăn nuôi được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển và mới nổi.
Sản lượng sữa bò sụt giảm mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới trong năm 2022. Ảnh: Istock
Dịch bệnh dai dẳng
Dịch tả heo châu Phi (ASF) và cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) tiếp tục hoành hành tại nhiều vùng chăn nuôi khắp thế giới trong năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để nhiều quốc gia nỗ lực phát triển giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các loại vaccine, chẳng hạn như vaccine cúm gia cầm của Anh. Vẫn cần thời gian để hoàn thiện các loại vaccine này, vì thế các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt trong toàn bộ chuỗi sản xuất chăn nuôi vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất hiện nay.
Chăn nuôi heo đi xuống
Theo Rabobank, sản lượng thịt heo ở châu Âu và Anh tiếp tục đi xuống trong quý IV/2022 do áp lực biên lợi nhuận với mức giảm ít nhất 4%, trong đó Ba Lan, Đức, Đan Mạch và Anh là những khu vực có mức giảm lớn nhất. Số lượng hộ chăn nuôi heo tại Ba Lan tiếp tục giảm với tốc độ chưa từng có. Thực trạng này diễn ra tương tự khắp châu Âu khi ASF và chi phí đầu vào gia tăng khiến nhiều hãng chăn nuôi đứng bên bờ vực phá sản. Từ đầu năm 2022, có tới 43.000 trang trại của Ba Lan bị thanh lý, có nghĩa là trung bình mỗi ngày có 76 trại nuôi heo phải ngừng hoạt động. Ngay cả khi dịch ASF diễn biến khả quan hơn cũng không thể đảo ngược xu hướng tiêu cực này. Tình hình chăn nuôi heo tại châu Á ổn định nhưng người chăn nuôi vẫn phải cảnh giác cao độ với dịch bệnh nguy hiểm.
Khủng hoảng sữa bò
Nắng nóng và hạn hán đã gây căng thẳng cho đàn bò sữa khắp thế giới, làm cạn kiệt sản lượng sữa và đe dọa nguồn cung mặt hàng này. Tại Australia, sản lượng sữa năm 2022 giảm gần nửa triệu tấn do nông dân bỏ trang trại sau nhiều năm chịu áp lực từ các đợt nắng nóng. Còn ở Ấn Độ, nông dân nuôi bò ở quy mô nhỏ cũng giảm dần các khoản đầu tư mua thiết bị làm mát cho trang trại. Tại Pháp, các hãng sữa đã tạm dừng sản xuất một loại pho mát chất lượng cao do những cánh đồng trở nên khô cằn, khiến đàn bò không có cỏ để gặm. Tại Đức, nhiều công ty sữa bò quy mô lớn cũng đã chuyển sang sản xuất năng lượng sinh học. Xu hướng thu hẹp sản xuất còn tiếp diễn trong các năm tới do các quy định khắt khe về môi trường. Rabobank cho biết: “Biến đổi khí hậu làm tăng thêm sự bất ổn cũng như thay đổi trong nguồn cung sữa và điều này tác động trực tiếp đến tình trạng mất an ninh lương thực thế giới”.
Tuấn Minh
(Tổng hợp)