Chăn nuôi giúp tăng thu nhập cho nông dân xã An Hòa

Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn xã An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh. Qua đó, các mô hình làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân…

Hiệu quả nuôi lươn không bùn

Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn được nông dân xã An Hòa chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình. Bởi, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, lợi nhuận khá, nhất là giá thị trường đầu ra luôn ổn định.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lát gạch men của anh Lê Thanh Tuấn (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa) đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Tuấn cho biết, lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm nên không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, trong khi lươn nuôi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi… Vì thế, anh quyết định đầu tư thực hiện mô hình hơn 10 năm nay.

nuôi lươn giống

Anh Lê Thanh Tuấn chăm sóc lươn giống

Hiện, anh Tuấn sở hữu khoảng 80 bồn (trên 6 m2/bồn) lươn giống và lươn thương phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Với giá bán từ 100.000 – 120.000 đồng/kg thương phẩm, lươn giống từ 3.500 – 3.800 đồng/con (loại lươn 1.000 con/kg), sau khi trừ chi phí, gia đình anh Tuấn lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Tuấn, nuôi lươn theo mô hình không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn mang lại hiệu quả cao, đạt chất lượng tốt, cân nặng đồng đều, người nuôi phải chọn nguồn giống sạch bệnh và vệ sinh bồn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi. Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc. Ngoài ra, nguồn thức ăn cần vừa đủ và thay nước thường xuyên, đảm bảo nguồn nước sạch…

“Nuôi lương trong bể xi-măng lót gạch men, phía dưới sẽ kiên cố và dễ vệ sinh, dễ thay nước và lươn thuận lợi phát triển khi được nơi trú ẩn dưới các lớp giá thể bằng phao quây lưới. Đặc biệt, tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước khép kín để đảm bảo nguồn nước sạch” – anh Tuấn chia sẻ.

 

Khởi nghiệp từ nuôi dê nhốt chuồng

Sau khi học hỏi kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, phòng tránh các bệnh thường gặp ở loài dê, anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú, xã An Hòa) đã thực hiện mô hình nuôi dê nhốt chuồng hơn 3 năm nay. Nhận thấy việc nuôi dê không tốn nhiều công sức, dê ít bệnh, quay vòng vốn nhanh, chi phí đầu tư thấp, anh Ngoan mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để khởi nghiệp. Thị trường tiêu thụ dê thịt, dê giống hiện rất ổn định, nhiều thương lái đến tận nhà để mua. Dê nặng từ 35 – 42 kg/con thì có thể xuất bán dê thịt, với giá từ 120.000 – 130.000 đồng/kg.

Ngoài nuôi dê thịt, gia đình anh còn cung cấp ra thị trường dê giống trong và ngoài huyện, cũng như ngoài tỉnh, với giá từ 3 – 4 triệu đồng/con. Với trang trại rộng 200 m2 nuôi gần 200 con dê, mang lại thu nhập cho gia đình anh trên 300 triệu đồng/năm từ bán thịt và dê giống.

nuôi gê

Anh Hà Minh Ngoan chăm sóc đàn dê

“Để đàn dê luôn khỏe mạnh và phát triển tốt, người chăn nuôi cần chú ý kiểm tra hàng ngày để nhận biết tình trạng sức khỏe đàn dê, chích ngừa đầy đủ theo quy định, bổ sung thêm thức ăn tinh, củ, quả và cần đảm bảo lượng thức ăn đầy đủ để dê khỏe mạnh, phát triển tốt” – anh Hà Minh Ngoan chia sẻ.

Thời gian tới, xã An Hòa tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Địa phương sẽ phối hợp ngành chuyên môn tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nông dân để áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm…

Trung Hiếu

Nguồn: Báo An Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *