(Người Chăn Nuôi) – Tình hình chăn nuôi trâu bò của nước ta trong 9 tháng năm 2023 không có biến động lớn. Đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm do diện tích chăn thả thu hẹp, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đàn bò tại nhiều tỉnh cũng đang giảm dần không mang lại hiệu kinh tế cao như trước. Để chăn nuôi gia súc lớn phát triển rất cần có những cú hích thực sự.
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm nay giảm khoảng 1,1%, tổng số bò tăng khoảng 0,6% so với cùng thời điểm năm ngoái; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 90,6 nghìn tấn, tăng 0,1%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng sữa bò tươi 9 tháng ước đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng sữa bò 9 tháng năm nay thấp do sản lượng sữa của tỉnh Sơn La và TP. Hồ Chí Minh giảm so với cùng kỳ (sản lượng sữa bò của 2 tỉnh này chiếm gần 30% tổng sản lượng sữa cả nước).
Người dân Mèo Vạc, Hà Giang cải thiện thu nhập nhờ nuôi bò bản địa. Ảnh: ST.
Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, mặc dù nước ta có số lượng đàn gia súc lớn nhưng mới chỉ cung cấp được 42 – 43% nhu cầu sữa, 45 – 50% nhu cầu thịt cho tiêu dùng trong nước, trong khi đó Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hơn một nửa từ nước ngoài. Đơn cử mặt hàng sữa nhập khẩu khoảng 57 – 58% và thịt là từ 50 – 55%.
PGS.TS Hoàng Kim Giao cho rằng, một trong những rào cản khiến chăn nuôi gia súc lớn của nước ta vẫn chưa thể bứt phá so với tiềm năng là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm đại đa số, dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, mối liên kết trong sản xuất, quản lý theo chuỗi còn rời rạc khiến năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, không ổn định.
Cần gắn với các chuỗi liên kết
Ngay từ năm 2020, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2030”. Chiến lược này cho phép các địa phương chuyển phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây dùng làm thức chăn nuôi. Tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 – 1,0 triệu ha. Chính phủ cũng khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tạo điều kiện cho người nuôi tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã…
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao thành phố Hồ Chính Minh, nhận định: Có 9 yếu tố quan trọng cần hóa giải để chuỗi cung ứng chăn nuôi gia súc lớn phát triển bền vững, bao gồm: kháng kháng sinh; kiểm soát dịch bệnh cho người và động vật; chống nhập khẩu trái phép; tăng năng suất chất lượng; chống giả mạo thương hiệu; an toàn thực phẩm; minh bạch, tăng lòng tin các đối tác; phúc lợi động vật; chăn nuôi bền vững, giảm phát thải. Hơn nữa, chăn nuôi gia súc lớn rất cần chuỗi liên kết về giống, thức ăn, thú y… Do vậy, việc liên kết toàn bộ các chuỗi trong ngành là cần thiết nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, qua đó giảm bớt khâu trung gian, hạn chế dịch bệnh, quản lý vật nuôi tốt hơn, thân thiện với môi trường, sản phẩm an toàn và dễ truy xuất nguồn gốc…
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản của người dân huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: ST.
Để nhanh chóng hiện thực hóa những mục tiêu này, ngày 13/10 vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam và Hội Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết biên bản ghi nhớ với 15 đơn vị tham gia xây dựng “Chuỗi cung ứng sản phẩm gia súc lớn Việt Nam” áp dụng công nghệ 4.0. Sự kiện này là bước đà quan trọng góp phần mở ra những cơ hội phát triển mới cho lĩnh vực chăn nuôi gia súc lớn theo hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Đồng thời hướng đến ngành chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời tiến kịp với nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)