Nhằm ứng phó với nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi, qua hướng dẫn, động viên chuyển đổi sang mô hình phù hợp, đến nay toàn tỉnh Bình Định có 65 cơ sở được công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các cơ sở này vận hành khép kín, ứng dụng KHKT trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại TX An Nhơn, hiện có 4 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (CSCNATDB), trong đó có 2 cơ sở của DN đầu tư, 2 cơ sở của các chủ trang trại đầu tư. Ông Thái Lê Uyên, Chủ CSCNATDB tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân (TX An Nhơn), chia sẻ: Để đáp ứng đủ điều kiện và được cấp chứng nhận CSCNATDB, ngoài những yếu tố kỹ thuật về phần cứng (quy mô chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, phân) thì quá trình chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là yếu tố cực kỳ quan trọng. Theo đó, phải tuân thủ giờ giấc, khử trùng trước khi ra vào trại. Toàn bộ khâu ăn uống, chăm sóc có sự hỗ trợ của máy móc, tự động hóa; tất cả được giám sát qua hệ thống camera.
Một trang trại ở Hoài Ân thực hiện các khâu kiểm soát, sát trùng trước khi vào trang trại. Ảnh: Thu Dịu
Chuyển từ chăn nuôi kiểu cũ sang chăn nuôi an toàn, năm 2009, gia đình ông Uyên đăng ký vào hoạt động chăn nuôi tại Khu chăn nuôi tập trung Nhơn Tân; di dời toàn bộ hệ thống chuồng trại trong khu dân ở phường Nhơn Hưng lên khu chăn nuôi này. Đến nay, trang trại quy mô 4 ha của ông đã có 150 heo nái, 800 heo thịt thương phẩm. Ông Uyên đầu tư thêm máy tách phân để ép phân khô và xử lý nước thải từ chăn nuôi vào hầm biogas. Theo ông Uyên, giai đoạn 2018 – 2019, khi bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát khắp nơi, nhưng đàn heo của gia đình ông vẫn tuyệt đối an toàn nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt.
“Suất đầu tư ban đầu lớn, tuy nhiên càng về sau người chăn nuôi càng có lợi: Ngăn được dịch bệnh, đàn heo phát triển tốt; lợi nhuận từ mô hình này lại tăng hơn 15% so với trước, đặc biệt chất lượng thịt heo rất cao”, ông Uyên tâm đắc.
Trên địa bàn huyện Hoài Ân có 43 cơ sở được công nhận CSCNATDB. Các cơ sở này đều áp dụng đầy đủ quy trình kiểm soát dịch và xử lý vấn đề môi trường. Ông Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại heo tại xã Ân Tường Đông, cho biết: Khi đầu tư xây dựng trang trại, tôi chú trọng nghiên cứu các giải pháp kiểm soát dịch bệnh và xử lý môi trường. Kinh nghiệm thực tế của tôi cho biết, 2 yếu tố quan trọng mà ông đúc rút ra là: Phải kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào bằng nhiều vòng kiểm soát, với các khâu cách ly, khử khuẩn, sát trùng và xử lý chất thải khép kín. Đến nay, toàn bộ nước thải trong chăn nuôi heo được xử lý tuần hoàn, ngăn mùi, ngăn ô nhiễm. Trang trại của tôi đang có 1.200 con heo nái, 7.000 – 8.000 con heo thịt, toàn bộ việc cho ăn, chăm sóc, tắm rửa… đều được tự động hóa, có thiết bị công nghệ hỗ trợ toàn thời gian để bất cứ bất thường nào của đàn cũng được cảnh báo sớm, xử lý kịp thời.
Theo ngành chăn nuôi, dịch bệnh đang là nguy cơ lớn, đe dọa sự tăng trưởng, thậm chí tại một số thời điểm có thể tác động đến sự tồn vong của toàn ngành tại một hoặc một vài khu vực cụ thể. Chính vì thế, nhiều năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh ta tích cực hỗ trợ, động viên, tăng cường truyền thông và chuyển giao giải pháp KHKT, công nghệ để người chăn nuôi áp dụng và chuyển dần thành chăn nuôi ATDB để giảm thiểu thiệt hại, hướng tới phát triển bền vững.
“Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tỉnh ta chủ yếu còn ở quy mô nhỏ lẻ, chúng tôi hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi ATDB với nhiều mức độ, điều kiện phù hợp để các hộ tự áp dụng và triển khai theo hướng phù hợp. Về lâu dài, chúng tôi đề xuất các địa phương – các huyện có thế mạnh về chăn nuôi nên quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, hỗ trợ người chăn nuôi chuyển vào các khu này để thuận lợi cho quá trình áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong kiểm soát dịch bệnh” – ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết.
“Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn TX An Nhơn phát triển mạnh, song điều kiện để xây dựng trang trại đủ chứng nhận ATDB chưa nhiều. Do vậy, chúng tôi tập trung hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn phù hợp, tiệm cận với chăn nuôi ATDB”.
Ông HUỲNH VĂN THẠNH, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp An Nhơn
“Hoài Ân là vùng chăn nuôi lớn, do vậy khâu kiểm soát dịch bệnh là vấn đề then chốt để duy trì sự ổn định tổng đàn vật nuôi. Hiện, Trung tâm từng bước hỗ trợ các hộ chăn nuôi áp dụng các quy trình kiểm soát dịch bệnh và tiến tới xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB”.
Ông NGUYỄN THANH VƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định