(Người Chăn Nuôi) – Để phát triển một nền chăn nuôi hiện đại trên nền tảng công nghệ cao, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hiệu quả nhưng vẫn nhiều “rào cản”
Công ty CP Tiên Viên là một trong những đơn vị thành công trong ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đơn vị đã xây dựng quy trình chăn nuôi giống gà Ri theo công nghệ sạch áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, các chế phẩm vi sinh nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, sạch. Theo đại diện đơn vị, gà Ri được áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi chặt chẽ từ khâu chọn giống, sản xuất con giống đến bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian nuôi, gà được tiêm phòng vaccine và không sử dụng biện pháp chữa trị bằng kháng sinh. Công ty đã đầu tư xây dựng 8 chuồng trại hiện đại với quy mô chăn nuôi 150.000 gà đẻ và liên kết với 15 trang trại của các hộ chăn nuôi tại địa phương để đưa ra thị trường 3 – 4 triệu quả trứng/tháng.
Hay như Tập đoàn THACO đã đầu tư mạnh vào các dự án nuôi heo giống, heo thịt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn An Giang, mở ra khả năng cung cấp nguồn heo sạch, heo giống chất lượng không chỉ cho An Giang mà cả vùng ĐBSCL và nước bạn Campuchia.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi vẫn gặp không ít thách thức.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi vẫn gặp không ít thách thức như: Chính sách chưa sát hợp với thực tế. Thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực và nhập khẩu thiết bị. Quỹ đất sử dụng ít, thiếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của một số mặt hàng chưa tương xứng với mức độ đầu tư…
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Một số doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi đề xuất: Cần có các chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Mặt khác là tháo gỡ những vướng mắc về quỹ đất cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi như được thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất…
Các chuyên gia cho rằng, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp. Đó là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín. Chú trọng xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng. Thúc đẩy phát triển các mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Tiếp tục sản xuất dòng, giống vật nuôi chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, như: Bò, heo, gia cầm phù hợp từng vùng và phân khúc thị trường. Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi gia cầm, heo, bò. Sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vaccine, bộ kít mới sử dụng trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Áp dụng thêm các công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi và chế phẩm sinh học từ nguồn chất thải này. Tiếp tục đổi mới công nghệ trong sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi. Đẩy mạnh công nghiệp chiết xuất, công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm vi sinh, thảo dược thay thế kháng sinh và phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Cuối cùng là phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao.
Phương Khang – Hoàng Vũ