Từ nhu cầu của thị trường, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi các con đặc sản theo hướng hàng hóa. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần mở ra hướng phát triển sản xuất mới.
Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã được người dân ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện thành công nên cuối năm 2022, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (ở xóm Cà, xã Tân Khánh, Phú Bình) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình này. Sẵn có mặt bằng chăn nuôi gà rộng 500 m2 bỏ không, ông cải tạo lại thành trang trại nuôi lươn thương phẩm và lươn giống. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên ngay lứa đầu tiên, mô hình đã đem lại hiệu quả cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (ở xóm Cà, xã Tân Khánh, Phú Bình) hiện có gần 100 bể nuôi lươn không bùn.
Theo đó, năm 2023 ông xuất bán ra thị trường 3 tấn lươn thịt, với giá bán từ 180 – 200 nghìn đồng/kg và 50.000 con lươn giống, với giá bán từ 3.500 – 10.000 đồng/con. Trừ hết chi phí, ông thu về trên 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ: Kỹ thuật nuôi lươn không bùn không quá khó, chủ yếu phải đảm bảo nguồn nước luôn an toàn, còn thức ăn gồm cám công nghiệp và giun quế. Đầu ra cho cả lươn thịt và lươn giống hiện nay rất thuận lợi, giá lại ổn định. Hiện tại, tôi và một số người đang cùng xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm liên quan đến lươn để đa dạng hóa đầu ra.
Tương tự, tận dụng diện tích chuồng trại chăn nuôi gà bỏ không, gia đình ông Hà Văn Nam (ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, Phú Lương) đầu tư nuôi đà điểu thương phẩm. Trung bình mỗi năm, ông Nam nuôi khoảng 20 con và xuất bán ra thị trường gần 2 tấn thịt, với giá 250 nghìn đồng/kg. Ông cho biết: Đà điểu là loài chim dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là những loại sẵn có tại địa phương như: rau lá, cỏ, thân cây chuối, cám ngô, sắn… Sau 7 – 8 tháng chăn nuôi thì một con đà điểu cho lãi từ 2 – 10 triệu đồng, tùy thuộc vào trọng lượng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngoài mô hình của ông Tuyên và ông Nam còn có hàng trăm mô hình chăn nuôi các con đặc sản khác như: ba ba, dúi, nhím, hươu… mỗi năm đem về thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho các cơ sở chăn nuôi.
Chỉ tính riêng các cơ sở nuôi động vật hoang dã, trên địa bàn tỉnh hiện có 207 cơ sở chăn nuôi 30 loài đã được ngành chức năng cấp phép, với tổng số cá thể gần 27.800 con. Từ thành công của một số mô hình, nhiều người dân đã đến học hỏi và áp dụng để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình từ 1 – 2 hộ ban đầu đã phát triển lên thành hợp tác xã (HTX). Đơn cử như HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng (ở xã Tân Hòa, Phú Bình) có 38 thành viên, với tổng đàn hươu trên 300 con. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,9 tỷ đồng.
Ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, cả xã chỉ có duy nhất gia đình tôi nuôi hươu lấy nhung và hươu giống. Khi thấy có hiệu quả, nhiều người đã đến học hỏi, sau đó đầu tư chăn nuôi. Để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống và vốn đầu tư, năm 2017 chúng tôi đã cùng nhau thành lập HTX nuôi hươu cựu chiến binh Trọng Hùng.
Nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình chăn nuôi các con đặc sản, thời gian qua, ngành chức năng cũng như các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm tại một số địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi con đặc sản theo định hướng và gắn với thị trường tiêu thụ; kiểm soát chặt chẽ từng mô hình, nhất là đối với những mô hình nuôi động vật hoang dã cần được cấp phép…
Vũ Công