Chăn nuôi ATSH đòi hỏi phải đảm bảo kỹ thuật để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Do đó, bắt buộc người dân phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn con giống đến nguồn thức ăn, tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, phải ghi nhật ký chăm sóc, tiêm phòng để tiện theo dõi.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Xanh, phường Lương Sơn (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Nhờ áp dụng phương pháp ATSH, đàn vật nuôi của chúng tôi phát triển rất tốt (duy trì khoảng 1.000 con lợn, 6.000 con gà thương phẩm/năm). Không chỉ giảm chi phí đầu vào, công chăm sóc… mà còn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thời điểm trên địa bàn tỉnh xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi (cuối tháng 5 vừa qua), hoạt động chăn nuôi của HTX không bị ảnh hưởng, số lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường đều đặn, đảm bảo chất lượng.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân, cơ sở chăn nuôi áp dụng phương pháp ATSH, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương quy hoạch chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư; tạo điều kiện để người chăn nuôi đầu tư trang trại, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi ATSH, hỗ trợ đánh giá chứng nhận VietGAP…
Thực tế cho thấy, bảo đảm ATTS trong chăn nuôi không chỉ giúp phòng, chống dịch bệnh mà còn góp phần sản xuất sạch, giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Dù vậy, chăn nuôi đảm bảo ATSH hiện vẫn chỉ được áp dụng tại các cơ sở quy mô khá lớn, trang trại chứ chưa được thực hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi lẽ ấy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đạt hiệu quả cao…
Tùng Lâm