Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, tổng đàn heo cả nước tăng khoảng 12,4%, tổng đàn bò tăng khoảng 3,5%, tổng đàn gia cầm tăng 5,4%, cùng với trên 13 tỷ quả trứng và hơn 1 triệu tấn sữa. Dự báo, năm 2023 ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường ước đạt hơn 7,2 triệu tấn và khoảng 19 tỷ quả trứng, 1,25 triệu tấn sữa…
Năm 2022, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch trên 400 triệu đô la Mỹ. Trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 277 triệu đô la Mỹ, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cho rằng cả nước có đàn gia cầm số lượng lớn thứ 2 thế giới, đàn heo lớn thứ 5 thế giới, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt hơn 400 triệu đô la Mỹ/năm là quá nhỏ so với nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi lên tới 3,32 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022. Nguyên nhân là do ngành chăn nuôi và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh (cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…); thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả không ổn định.
Thực tế này đang khiến ngành chăn nuôi tìm giải pháp xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hiện tại, cả nước có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành được chứng nhận; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm, 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc và 47 vùng bệnh dại.
Muốn tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi phải xây dựng được các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/TTg ngày 25-7- 2023 về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2023-2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã sửa đổi nhiều thông tư để dễ dàng thực hiện.
Quyết định 889 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 19 vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy chuẩn của Việt Nam. Trong đó, 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đến năm 2030, sẽ có 8 vùng của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của OIE. Về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, quyết định nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), 5 nước Liên minh kinh tế Á – Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.
Phương Anh
Nguồn: Báo Bình Dương