Chăn nuôi an toàn để xây dựng thương hiệu

Để đảm bảo đầu ra, kiểm soát được an toàn thực phẩm, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương, địa chỉ tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị.

Được thành lập từ tháng 3/2020, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương là một trong những đơn vị tiêu biểu trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Với mô hình nuôi chim bồ câu, HTX đã thu hút được 7 thành viên tham gia. Hiện, tổng đàn chim bồ câu của HTX là khoảng 8.000 đôi chim bố mẹ. Trung bình mỗi tháng, các hộ thành viên xuất ra thị trường khoảng 3.000 con chim thương phẩm, với giá bán 130.000 đồng/đôi. 

nuôi chim bồ câu

Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương (ngoài cùng bên phải) giới thiệu về mô hình chăn nuôi chim bồ câu của HTX.

Để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số địa phương lân cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Sản phẩm của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ thủ tục đăng ký, tem nhãn và đeo vòng truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên được các đối tác tin tưởng, lựa chọn. Để đảm bảo chất lượng và giữ mối liên kết, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định về an toàn trong chăn nuôi, đảm bảo chuồng trại thông thoáng, có lịch phun khử trùng khu vực chăn nuôi hằng tuần, tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi để phòng bệnh. HTX cũng cam kết, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, đồng thời tổ chức tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật cho các thành viên để chăn nuôi đảm bảo chất lượng.

Với tiêu chí đó, dù chỉ mới hoạt động hơn 1 năm nhưng HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương đã xuất bán ra thị trường khoảng 40.000 con chim bồ câu thương phẩm và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoàng Văn Nhân, thành viên HTX chia sẻ: Sau khi tham gia HTX, tôi được đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi chim bồ câu trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tôi và các thành viên đã nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi và nhân rộng đàn chim bồ câu của gia đình lên 800 đôi chim bố mẹ. Cũng từ khi tham gia vào HTX, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Chúng tôi kiên trì sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm của HTX.  

Trao đổi với chúng tôi về mô hình hoạt động của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Phú Lương, ông Ma Tiến  Kốp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương nói: Khi xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, các công đoạn trong sản xuất sẽ được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả, người dân từng bước làm chủ quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. 

Để nâng cao giá trị sản phẩm, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đã hỗ trợ HTX 371 triệu đồng (gồm: Giống, thuốc thú y, xây dựng website quảng bá sản phẩm và tem, mã vạch truy suất nguồn gốc). Từ đó, giúp HTX nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, xây dựng thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ bị chậm lại, giá bán sản phẩm giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn cho hoạt động của HTX. Hiện tại, huyện đang khuyến khích HTX tổ chức lại quy mô sản xuất, nỗ lực duy trì chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Nhâm Mai – Đức Thuận

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *