(Người Chăn Nuôi) – Chiều 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp, tham dự có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và đông đảo các đơn vị báo chí, truyền thông.
Họp báo Quý II/2024 tại Bộ NN&PTNT diễn ra chiều 28/6 tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm nay trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, có yếu tác động của biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo không để dịch bệnh làm ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm.
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT và toàn ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Trong quý II, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm ngoái (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Halal, Trung Đông, châu Phi… Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chăn nuôi đạt 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Về chăn nuôi trong nước, trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt là dịch tả heo châu Phi), Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhờ đó, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước phát triển tương đối ổn định. Trong đó, đàn heo tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%. Đàn gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%. Đàn trâu ước giảm 3,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đàn bò ước giảm 0,9%; sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, tính đến ngày 23/6, cả nước không có dịch bệnh cúm gia cầm và tai xanh; có 287 ổ dịch tả heo châu Phi tại 23 tỉnh; 2 ổ dịch lở mồm long móng tại 2 tỉnh Yên Bái, Gia Lai; 5 ổ dịch viêm da nổi cục tại 2 tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông chưa qua 21 ngày. Trong 6 tháng đầu năm, số gia súc, gia cầm bị chết và tiêu hủy khoảng 41,65 nghìn con (bao gồm 12,424 gia cầm và 29.226 gia súc). Hiện nay, dịch bệnh trên động vật vẫn đang được kiểm soát, các ổ dịch xảy ra chủ yếu tại hộ chưa tiêm phòng vaccine cho heo.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng cần duy trì tiêm phòng và chăn nuôi an toàn sinh học.
“Nguyên nhân gây khó trong việc tiêm phòng là do tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lớn và chưa có chính sách hỗ trợ khi tiêm. Thời gian tới, nếu không kiên quyết đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan vẫn luôn hiện hữu”, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh nhấn mạnh.
Nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành chăn nuôi trong các tháng cuối năm, đặc biệt không để dịch bệnh lây lan bùng phát ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo tại Công điện số 58/CĐ-TTg. Đặc biệt là đối với các bệnh như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Thùy Khánh
Bài và ảnh