Bước vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là việc gia tăng đàn vật nuôi những tháng cuối năm phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán 2023 khiến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở mức cao.
Để giảm thiểu dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đang tăng cường các giải pháp phòng, chống, trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin đạt kế hoạch, kiểm soát vận chuyển, giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu…
Có thâm niên hơn 10 năm chăn nuôi lợn thịt, ông Trần Văn Sơn (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) hiểu rõ việc đảm bảo sức khoẻ đàn lợn cũng như vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Việc dập dịch tả lợn châu Phi tại xã Liên Hiệp, một trong những xã bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh này vào năm 2019 đã giúp gia đình ông có thêm nhiều kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp đang tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi những tháng cuối năm 2022
Hiện nay, gia đình ông Sơn nuôi trên 300 con lợn thịt, 20 lợn nái, dự kiến đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ xuất bán khoảng 250 con. Hằng ngày, xe chở thức ăn, các vật dụng liên quan khi vào khu vực chăn nuôi đều qua công tác khử khuẩn ngoài cổng, đồng thời hạn chế việc người lạ ra vào nhằm tránh lây bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh nguy hiểm khác.
Cũng như ông Sơn, người chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Tân Hà, Liên Hà, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) cũng đang tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi và phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và môi trường xung quanh. Theo đánh giá từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ các hộ chăn nuôi trên địa bàn, tuyên truyền để các hộ nắm chủ trương và thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng vắc xin đúng tiến độ, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn có gần 1.400 trang trại chăn nuôi (trong đó 81 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 405 trang trại quy mô vừa, 872 trang trại quy mô nhỏ) và hơn 28 nghìn cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tổng đàn vật nuôi tính đến tháng 10/2022 đạt khoảng 11 triệu con. Trong đó, riêng đàn gia súc có 13.442 con trâu, 98.143 con bò; 444.358 con lợn; 12.342 con dê.
Theo đánh giá, từ đầu năm đến đầu tháng 11/2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ một số ổ dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cảnh báo trong thời gian tới nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi là rất cao. Nguyên nhân chính là do đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh có gần 11 triệu con và tiếp tục gia tăng đàn vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật vào dịp cuối năm tăng mạnh. Việc giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số và chưa được kiểm soát chặt chẽ, thời tiết chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết đã có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2022 cho đàn gia súc, gia cầm. Phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng trong tháng 11/2022, bảo đảm đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra. Đối với các đối tượng không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân chủ động mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi dưới sự giám sát của cán bộ thú y cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, các địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục chưa đạt 80% tổng đàn, tiếp tục rà soát tiêm phòng bổ sung cho đàn trâu, bò mới phát sinh, chưa đủ điều kiện tiêm và bỏ sót… đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% theo kế hoạch. Về công tác giám sát dịch bệnh, các địa phương, đơn vị những tháng cuối năm cần giám giám sát chặt chẽ, đặc biệt tại nơi có nguy cơ cao, nơi ổ dịch cũ hoặc địa phương có tỷ lệ tiêm phòng chưa cao để giúp cơ quan quan lý, nhất là cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo về dịch tễ, từ đó có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Chính Phong
Nguồn: Báo Lâm Đồng