Dịch bệnh tai xanh lợn mới xảy ra ở một số xã, phường trên địa bàn Thành phố ảnh hưởng đến việc phát triển đàn gia súc và thiệt hại kinh tế cho hộ chăn nuôi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Ông Nguyễn Lưu Hải, xóm 5, xã Vĩnh Quang (Thành phố) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 5 con lợn Móng Cái hậu bị nhận hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ ngày 1/3/2023. Tuy nhiên, đến ngày 9/3/2023, đàn lợn bị ốm, có biểu hiện ho, sốt, bỏ ăn, tiêu chảy, xuất huyết vùng da mỏng. Gia đình sử dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhưng lợn không đỡ, trong đó có 2 con lợn bị chết nên gia đình đã báo cáo cán bộ thú y xã và chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được thông tin về hiện tượng lợn của gia đình ông Hải chết không rõ nguyên nhân, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đến địa bàn kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng 2 xét nghiệm. Đến ngày 25/3/2023, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút tai xanh (chủng NA Trung Quốc). Đồng thời, Chi cục cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, xác minh thông tin ổ dịch và triển khai các biện pháp PCD. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi triển khai tiêm 3.614 liều vắc xin tai xanh phòng bệnh cho đàn lợn ở các xã, phường có dịch; cấp 780 lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện cách ly lợn ốm điều trị bệnh, tiêu hủy những con bị chết hoặc ốm nặng.
Người dân phun khử trùng, tiêu độc môi trường xung quanh khu vực chuồng chăn nuôi lợn.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Huệ Chi cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh tai xanh lợn, ngày 6/4/2023, UBND Thành phố ban hành quyết định về việc công bố dịch bệnh tai xanh lợn tại 2 xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang và phường Ngọc Xuân, thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/3/2023. Vùng bị dịch uy hiếp gồm các phường Đề Thám, Sông Hiến, Sông Bằng (Thành phố), xã Ngũ Lão, Hoàng Tung, thị trấn Nước Hai (Hòa An). UBND Thành phố phân công nhiệm vụ cho phòng chuyên môn, cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã triển khai đồng bộ các biện pháp PCD như tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh cho người dân; bố trí kinh phí phục vụ công tác PCD; chuẩn bị cấp phát phương tiện, hóa chất hỗ trợ địa bàn có dịch nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch; tiến hành vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng xung quanh chuồng trại; tiêm phòng vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với lợn mẫn cảm tại các tổ, xóm chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh với xã, phường có dịch nhằm hạn chế dịch lây lan ra diện rộng và thiệt hại cho người chăn nuôi. Thành lập các đội kiểm soát lưu động kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn xã, phường có dịch.
Đến nay, dịch bệnh tai xanh lợn đã xuất hiện tại 11 xóm của 2 xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang và phường Ngọc Xuân (Thành phố) với 74 con lợn của 21 hộ chăn nuôi mắc bệnh, trong đó có 50 con lợn đã chết và bị tiêu hủy với trọng lượng 517 kg. Nguyên nhân dịch bệnh lây lan do người dân các xã, phường được hỗ trợ lợn Móng Cái hậu bị theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giống lợn này được vận chuyển từ miền xuôi lên lây lan sang đàn lợn địa phương. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, đội ngũ cán bộ thú y các phường, xã tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp điều trị lợn ốm, phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, tiến hành tiêu hủy ngay lợn mắc bệnh nặng để đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện cách ly lợn ốm để điều trị bệnh.
Ngay khi xuất hiện dịch bệnh tai xanh lợn trên địa bàn Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp PCD bệnh tai xanh lợn tái phát và lây lan. Trong đó, yêu cầu các huyện, Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh đã tái phát tại một số địa phương lân cận cũng như tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức PCD. Thành lập các đoàn công tác đến cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; kịp thời chỉ đạo đôn đốc thực hiện các biện pháp PCD bệnh, hạn chế số ca bệnh phát sinh và lây lan. Ngành chuyên môn khuyến cáo, ngoài việc chủ động thực hiện các biện pháp PCD, người chăn nuôi cần nắm rõ dấu hiệu nhận biết bệnh để kịp thời đối phó khi dịch bệnh xảy ra.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hoàng Minh Đạt nhấn mạnh: Công tác PCD bệnh tai xanh lợn vẫn gặp nhiều khó khăn do việc chăn nuôi gia súc tại một số địa phương chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ hộ gia đình nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng ở một số địa phương đạt thấp, do vậy phần nào ảnh hưởng đến công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh.
Để tăng cường công tác PCD bệnh tai xanh lợn, các địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp PCD, như: tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc; kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc người dân bán chạy lợn ốm, chết; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi; chấp hành nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi theo quy định; khi có ổ dịch nguy hiểm trên đàn gia súc cần khẩn trương áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt các giải pháp xử lý dịch theo quy định.
Dịch bệnh tai xanh lợn không chỉ gây thiệt hại đối với người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thực phẩm, sức khỏe của người dân và tâm lý xã hội. Mặc dù dịch bệnh đã được khống chế, khoanh vùng ổ dịch, không phát sinh thêm lợn ốm, chết nhưng Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các xã, phường thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp PCD, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh tai xanh lợn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phương Oanh