Sau gần 1 năm tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn gia súc, đến nay, khả năng bảo hộ của vắc xin đang giảm dần, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất lớn. Trước tình hình đó, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Đak Pơ, từ giữa tháng 6 đến nay có 44 con bê của 28 hộ gia đình ở các xã: Phú An, Cư An và thị trấn Đak Pơ xuất hiện triệu chứng của bệnh VDNC do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Sau khi phát hiện, cơ quan chuyên môn đã tổ chức khoanh vùng, hướng dẫn người dân điều trị khỏi bệnh 34 con, số còn lại đang tiếp tục chữa trị. Hiện địa phương không phát sinh thêm bò mắc bệnh VDNC.
Ông Nguyễn Hiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Ngay khi xuất hiện bệnh VDNC trên đàn bê chưa tiêm phòng vắc xin, chúng tôi phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức khoanh vùng, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, cách ly vật nuôi bị bệnh ra khỏi đàn. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ tiêm vắc xin để khống chế ổ dịch, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi. Nhờ các giải pháp kịp thời nên số bê mắc bệnh đã ăn uống trở lại bình thường.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò của người dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Trước đó, tại xã Tơ Tung (huyện Kbang), bệnh VDNC đã làm chết 3 con bê. Cơ quan chuyên môn của huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Để chủ động phòng-chống dịch bệnh, UBND huyện đã xuất nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện 504 triệu đồng mua vắc xin VDNC hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách tiêm phòng cho đàn trâu, bò.
Trước nguy cơ bệnh VDNC xuất hiện trở lại, một số hộ chăn nuôi bò của huyện Đak Pơ đã chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ông Trần Nở (thôn 1, xã Hà Tam) thông tin: “Năm ngoái, 5 con bò của gia đình bị bệnh VDNC. Tôi báo với cán bộ thú y đến kiểm tra và mua vắc xin tiêm phòng. Nhờ đó, đàn bò hồi phục, ăn uống trở lại bình thường”.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xuất ngân sách hơn 11,1 tỷ đồng mua các loại vắc xin về tiêm phòng cho đàn gia súc, trong đó có khoảng 60.760 liều vắc xin VDNC. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi cũng đang gặp một số khó khăn. Về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Khó nhất hiện nay là việc bố trí kinh phí mua các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo Quyết định số 922/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Toàn tỉnh mới có 12 địa phương xuất ngân sách mua các loại vắc xin tiêm phòng và hóa chất nhưng vẫn chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Hiện còn 5 địa phương chưa bố trí được kinh phí mua các loại vắc xin, hóa chất phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Do vậy, lịch tiêm phòng giữa các địa phương khác nhau, không đồng bộ, không đảm bảo số liều trong năm… dễ dẫn đến nguy cơ bệnh VDNC cũng như các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện trên đàn gia súc. “Để chủ động phòng-chống bệnh VDNC cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh đôn đốc, nhắc nhở các địa phương bố trí kinh phí mua vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, xem xét hỗ trợ các địa phương khó khăn về kinh phí nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.
Nguyễn Diệp
Nguồn: Báo Gia Lai