(Người Chăn Nuôi) – Trong khuôn khổ Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26/6 tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc kiểm soát giết mổ động vật và tham vấn sửa đổi Thông tư số 09 về kiểm tra vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi.
Hiện nay, cả nước có 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó, khoảng 6.756 cơ sở (chiếm 27%) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 4.328 cơ sở (64,1%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Với lực lượng như hiện nay, ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy phép chứng nhận kinh doanh và không được chính quyền cho phép hoạt động là 18.102 cơ sở (73%). Điều này cũng đặt ra bài toán cần sớm đi tìm lời giải trong công tác quản lý hoạt động giết mổ của chính quyền các tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật diễn ra tại tỉnh Long An ngày 26/6 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA, cho rằng: Lâu nay cách quản lý nhà nước về giết mổ động vật tại các địa phương thể hiện duy ý chí, nặng về mệnh lệnh, nên không hiệu quả. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận quản lý bởi lĩnh vực giết mổ chịu tác động nhiều yếu tố: Kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế chính sách. Vì vậy, các giải pháp quản lý phải tổng hợp và tác động đến tất cả các yếu tố đó. “Muốn làm tốt kiểm soát giết mổ cần phải thay đổi cách tiếp cận quản lý. Đối với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… cần có cách quản lý khác so với các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Sơn đề xuất 6 nhóm giải pháp về kiểm soát giết mổ động vật, bao gồm: Thay đổi tư duy và phương pháp tiếp cận về quản lý giết mổ động vật. Nên sửa đổi 2 khái niệm về giết mổ tập trung và giết mổ nhỏ lẻ (theo quy định tại Luật Thú y) vì không phù hợp thực tiễn, từ đó thay đổi cách quản lý. Theo đó, phân loại các loại hình giết mổ như sau: Giết mổ công nghiệp; Giết mổ bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; Giết mổ hộ gia đình. Bỏ chủ trương tập trung giết mổ vì không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ tịch VIPA cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương cần xây dựng lộ trình về chuyển đổi sang phương thức giết mổ công nghiệp đối với từng địa phương tùy theo đặc điểm của từng tỉnh, thành phố. Không thể yêu cầu tất cả các tỉnh cùng lúc xây dựng đồng loạt các nhà máy giết mổ công nghiệp.
Cũng theo ông Sơn, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp như đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tín dụng, phí kiểm dịch… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề sửa đổi Thông tư 09 và Thông tư số 10 về kiểm tra vệ sinh đối với các cơ sở ấp nở và chăn nuôi, VIPA đề nghị đổi tần suất kiểm tra của cơ quan thú y, thay vì hàng năm thì nên kiểm tra 3 năm 1 lần, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Mặt khác, cơ quan thú y không được phép cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, vì Luật Thú y không quy định như vậy. Thay vào đó, Cục Thú y đang đề nghị đổi sang loại hình văn bản khác là “Thông báo kết quả kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y”. “Tuy nhiên, loại văn bản này có giá trị pháp lý không cao và không được thu phí từ doanh nghiệp vì việc ban hành văn bản thông báo không thuộc loại dịch vụ thu phí”, ông Sơn cho nhấn mạnh.
Minh Khuê