Cần nghiêm túc đánh giá lại thực tế chăn nuôi gia cầm hiện nay

(Người Chăn Nuôi) – Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, cả giá gà thịt và giá trứng gia cầm đều giảm mạnh, người chăn nuôi gồng mình gánh lỗ. Tình hình khó khăn của ngành hàng gia cầm lặp lại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Người chăn nuôi gia cầm luôn trong tình trạng bấp bênh vì giá cả thị trường bất ổn, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy cách nào để tháo gỡ những thách thức này cho ngành gia cầm?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt NamĐể trả lời câu hỏi này và thêm chia sẻ với bà con chăn nuôi gia cầm, Tạp chí Người Chăn Nuôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm. Từ Tết Nguyên đán đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm trong nước vẫn không có khởi sắc khi giá bán gia cầm thịt và trứng luôn ở mức thấp, người nuôi thua lỗ. Vì sao lại xảy ra tình trạng như vậy, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm: Là người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất gia cầm trong nhiều năm nên tôi thực sự chạnh lòng với thực tế hiện nay. Tôi muốn đồng cảm và chia sẻ với người dân, doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm cũng như những thành viên trong Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, những người đã đầu tư công sức, trí tuệ, tiền vốn vào sản xuất, cung ứng giống gia cầm trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong những tháng từ cuối năm 2024 đến nay. Người chăn nuôi luôn luôn trong tình trạng thua lỗ, do giá cả thị trường không ủng hộ, nên gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Theo tôi, có năm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Thứ nhất, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2024, nền kinh tế dần dần ổn định, nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng nên, người chăn nuôi nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất. Chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng được mở rộng cả về số trang trại, doanh nghiệp và quy mô sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cũng tăng đầu tư đã dẫn đến nguồn cung sản phẩm thịt và trứng gia cầm cuối năm 2024, đầu năm 2025 tương đối dồi dào, khiến giá cả đi xuống. 

Thứ hai, sau bão Yagi (xảy ra trong tháng 9/2024), các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi tập chung tăng đàn, nhằm khắc phục ảnh hưởng của cơn bão đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, đàn vật nuôi cũng được phục hồi mạnh nên số lượng sản phẩm gia cầm cũng tăng đáng kể.

Thứ ba, nhiều năm nay chăn nuôi heo vẫn luôn khó khăn do dịch tả heo châu Phi gây ra, mặc dù ngành chăn nuôi đã có biện pháp phòng, chống, nhất là bằng vaccine, nhưng vẫn không phủ hết được. Chăn nuôi heo bấp bênh trong khi chăn nuôi gia cầm khởi sắc nên không ít hộ dân, các trang trại chuyển đổi, đã dẫn đến việc dư nguồn cung thịt và trứng gia cầm như trong thời gian qua.

Thứ tư, thời gian qua, tình hình dịch bệnh dù có xảy ra nhưng ít vì chúng ta có nhiều biện pháp áp chế, đặc biệt là vaccine phát huy hiệu quả. Hơn nữa, sau bão (Yagi – PV), thời tiết khí hậu cũng thuận lợi cho chăn nuôi, khiến năng suất gia cầm cao và sản phẩm dư thừa hơn.

Thứ năm, năm 2024, thị trường tiêu thụ tăng cao nên nhập khẩu tăng, với cả chính ngạch và nhập lậu. Đặc biệt thời điểm cuối năm 2024, nhập lậu diễn ra mạnh hơn, nhất là giống, sản phẩm gia cầm, trứng, gà thải loại… gây nên hiệu ứng thừa trong thời gian qua.

Phóng viên: Theo ông, khó khăn này sẽ kéo dài bao lâu và tình hình chăn nuôi năm nay liệu có thể khởi sắc?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm: Như tôi đã chia sẻ ở trên, có nguyên nhân khách nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan của người chăn nuôi theo xu hướng phong trào. Do đó, để chăn nuôi phát triển bền vững tránh lặp lại việc lúc thừa, lúc thiếu, thị trường bế tắc, chúng ta cần tập trung: 

Đánh giá lại tình hình, thực trạng phát triển chăn nuôi gia cầm xem xét về số lượng trang trại, doanh nghiệp sản xuất quy mô đàn, số lượng sản phẩm thịt, trứng sản xuất ra, thị trường tiêu thụ trong nước thế nào, xuất khẩu được bao nhiêu để chúng ta tính toán lại. Theo số thống kê năm 2024, tổng đàn gia cầm của nước ta lên tới 557,1 triệu con; sản lượng trứng khoảng 20,2 tỷ quả, gần như đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2026 – 2030. Tuy nhiên, thực tế có thể lớn hơn, vì với gia cầm thời gian chăn nuôi ngắn, quay vòng nhanh nên có thể lượng gia cầm giết mổ lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê tại thời điểm. Thế nên, phải nắm được nhu cầu tương đối chính xác thì chúng ta mới có cơ sở khuyến khích người chăn nuôi tăng hoặc giảm đàn, hạn chế ảnh hưởng và thiệt hại không đáng có, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất con giống. 

Phóng viên: So với giá bán thịt gia cầm thì tình hình sản xuất trứng thời gian qua khó khăn nhiều hơn. Vậy để ổn định thị trường và giá bán, liệu chỉ tiêu số lượng sản xuất trứng trong nước có cần điều chỉnh lại không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm: Theo tôi, với định hướng sản xuất 19 – 20 tỷ quả mỗi năm của nước ta thì không phải là nhiều, đặc biệt so với bình quân chung của thế giới và một số nước Đông Nam Á, tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng thừa thiếu cục bộ thì cũng cần xem xét để điều chỉnh. Thị trường tiêu thụ trứng ảm đạm thì năm nào thời điểm sau Tết cũng xảy ra, nhưng năm nay khó khăn lại kéo dài từ trong Tết đến nay. Do đó, cần khuyến cáo bà con xem xét lại tổng đàn, nếu đã gần hết thời gian khai thác tỷ lệ đẻ giảm thì cần loại thải ngay để giảm quy mô. 

thực trạng gia cầm

Phóng viên: Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm cần trợ lực gì để vượt qua thách thức và phát triển ổn định trở lại, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm: Khó khăn của ngành gia cầm kéo dài trong nhiều tháng qua, nên nguồn vốn với họ rất quan trọng. Do đó, trước hết ngân hàng nên tạo điều kiện để người dân vay vốn ưu đãi, duy trì sản xuất các đàn đang trong thời điểm khai thác tốt. Cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Cục Chăn nuôi – Thú y và các cơ quan liên quan cần thúc đẩy vấn đề xuất khẩu, giảm tải lượng trứng tiêu thụ trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh tạo điều kiện hoặc có chính sách nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng lúc thừa lúc thiếu. 

Phóng viên: Là thành viên cốt cán của Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, ông có chia sẻ gì với người chăn nuôi và doanh nghiệp của Hiệp hội nói riêng và bà con chăn nuôi gia cầm nói chung?

Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm: Là thành viên có vai trò trong Hiệp hội cũng như đại diện một đơn vị sản xuất, tôi chia sẻ khó khăn với bà con, các hộ chăn nuôi, các thành viên Hiệp hội và doanh nghiệp chăn nuôi. Tôi tin rằng những khó khăn cũng sẽ sớm qua đi và những tháng tới thị trường sẽ ủng hộ. Do đó, bà con cần tập trung chăm sóc tốt đàn gia cầm, đảm bảo năng suất đàn duy trì, chất lượng đảm bảo để thị trường khởi sắc lại chúng ta có cơ hội phục hồi. Đồng thời, cần liên kết lại thành hội, nhóm, để cùng cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội đánh giá tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, nhằm hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững, không làm theo phong trào để tránh lúc thừa lúc thiếu, bởi nếu mất tính chủ động trong khâu tiêu thụ sẽ rất thiệt hại. 

Tóm lại, theo tôi, chúng ta phải bám sát chính sách nhà nước, liên kết lại với nhau để có tiếng nói chung với các ban, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường để làm sao có định hướng phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu mới đảm bảo chăn nuôi bền vững. 

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm!

>> Năm 2024, Việt Nam có đàn gia cầm khoảng 575,1 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 8,1 triệu tấn và sản lượng trứng tăng 5%, lên 20,2 tỷ quả. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sản phẩm gia cầm từ thịt gia cầm và trứng nói chung mới chỉ đạt khoảng 20 triệu USD.

Thu Hồng 

(Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *