Cần hình thành các tập đoàn tư nhân lớn để dẫn dắt toàn bộ chuỗi

(Người Chăn Nuôi) – Sáng 22/5/2025 tại Hà Nội, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, và Công ty TNHH Triển lãm VNU Exhibitions Asia Pacific, Công ty CP Triển lãm Công nghệ và Sự kiện Quốc tế ITEC tổ chức Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững. Thông qua Hội nghị sẽ nhận diện khó khăn, thách thức của ngành hàng gia cầm để tìm giải pháp phát triển bền vững thời gian tới.

Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững

Toàn cảnh Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững diễn ra sáng 22/5 tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Mưa

Phát triển nhưng còn nhiều hạn chế

Sau gần 40 năm đổi mới của đất nước, ngành gia cầm đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, sản lượng sản phẩm, giá trị xuất khẩu và trình độ công nghệ. Với sản lượng thịt gia cầm 2,4 triệu tấn, sản lượng trứng hơn 2 tỷ quả, được sản xuất vào năm 2024, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ “Công nghệ rất quan trọng, cần xem đây là binh chủng đi tiên phong để ngành chăn nuôi đẩy mạnh phát triển, duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Vũ Mưa

Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giống vật nuôi (Cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết: Năm 2024, tổng đàn gia cầm 584,4 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong những năm trở lại đây; Tổng sản lượng thịt gia cầm đạt 2,46 triệu tấn, tăng 6,9%. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về đầu con với đàn gà, và đứng thứ 2 thế giới về thủy cầm. Sản lượng trứng gia cầm năm 2024 đạt 20,352,3 tỷ quả, tăng 5,1%; trong đó, trứng gà 13,516 tỷ quả, trứng thủy cầm 6,913,4 tỷ quả, tăng 5,4%.

Cũng theo bà Dung, thời gian qua, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chỉ xảy ra các ổ dịch nhỏ, lẻ do chưa tiêm phòng vắc xin. Ngành gia cầm Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi trong phát triển, như thể chế hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, hội nhập, minh bạch; thị trường tiêu thụ tiềm năng; giá thức ăn chăn nuôi giảm, giá khá ổn định. Cùng đó, thu hút đầu tư, tiếp cận công nghệ mới. Tuy nhiên, ngành gia cầm nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như thói quen phân phối, tiêu dùng nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát an toàn sinh học, dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn phụ thuộc nhập khẩu, liên kết chuỗi còn quá ít, chưa kể, việc di dời trang trại trong khu vực không được phép chăn nuôi gây ra điểm chững nhất định. Cùng đó là biến động thị trường, cạnh tranh thương mại gay gắt…

Đồng thời, hiện cũng có nhiều lo ngại với sự phát triển của ngành gia cầm Việt Nam trước bối cảnh Mỹ quy định về thuế đối ứng. Tuy nhiên, theo bà Trần Ngọc Yến, đại diện AgroMonitor, cuộc chiến thuế quan mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng cả cơ hội lẫn thách thức. Trước hết, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu giúp giá thành chăn nuôi giảm, cơ hội xuất nguyên liệu đi Trung Quốc mà vẫn giúp thu hẹp thâm hụt thương mại, cùng đó là cơ hội xuất khẩu thịt gà đi Trung Quốc giúp giảm áp lực từ thịt nhập khẩu cho thị trường nội địa. Thế nhưng, nếu thuế quan được thực thi thì thuế nhập khẩu thịt gà từ Mỹ giảm có thể khiến lượng thịt gà từ Mỹ về Việt Nam tăng mạnh, gây sức ép cho thị trường…

Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng, Chủ tịch VPA Nguyễn Thanh Sơn đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Vũ Mưa

Giải pháp phát triển bền vững

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết: Ngành gia cầm trải qua 5 giai đoạn phát triển. Trong đó, thời điểm từ năm 2011 – 2021 là giai đoạn phát triển nhất của ngành gia cầm khi tăng trưởng luôn duy trì ở mức cao, hiệu quả chăn nuôi tốt, thu hút đầu tư lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, cùng đó, có sự đột phá về chăn nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, ngành chăn nuôi bước vào giai đoạn khủng hoảng đặc biệt là về thị trường, nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi mất phương hướng, hậu quả khiến tăng trưởng của ngành gia cầm giảm dần, hiệu quả sản xuất thấp, thị trường tắc nghẽn và kéo dài, nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi thua lỗ. 

Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam: Để phát triển chuỗi, doanh nghiệp phải là nòng cốt, là người dẫn đầu cuộc chơi và hộ chăn nuôi cần gắn vào đó để cùng phát triển. Ảnh: Vũ Mưa

Cũng theo ông Sơn, trước bối cảnh ngành gia cầm nhiều khó khăn thách thức, ngành gia cầm cần chuyển sang giai đoạn mới, thay đổi sang phát triển kinh tế gia cầm. Để phát triển thành chuỗi, doanh nghiệp phải là nòng cốt, là người dẫn đầu cuộc chơi và hộ chăn nuôi cần gắn vào đó để cùng phát triển. Quản lý nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận, tức là hỗ trợ và đồng hành, có như vậy thì Nghị quyết 68 của Trung ương mới hiện thực hóa, doanh nghiệp tư nhân mới tiếp cận được. Cùng đó, cũng đến lúc Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, phải khơi thông lại thị trường, muốn vậy phải đưa được sản phẩm rẻ nhất đến người tiêu dùng. Đây là ba lối thoát của ngành gia cầm hiện nay.

Hội nghị Phát triển ngành gia cầm Việt Nam theo chuỗi giá trị bền vững

Tại buổi Tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu được giải đáp những thắc mắc trong phát triển ngành hàng gia cầm hiện nay. Ảnh: Vũ Mưa

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Ngoại thương, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển ngành hàng gia cầm của Mỹ. Trong đó, nhất mạnh 3 yếu tố, gồm: Mối liên hệ thứ bậc, bao gồm một số ít tập đoàn tích hợp lớn và phối hợp chặt chẽ giữa họ và các đơn vị khác. Thứ hai là mối liên kết phụ thuộc, đó là giữa các tập đoàn tích hợp với hàng ngàn hộ chăn nuôi bên ngoài (theo hợp đồng chủ yếu là trang trại nhỏ). Thứ ba là mối liên kết quan hệ, đó là giữa các tập đoàn tích hợp với các nhà bán lẻ thực phẩm và chuỗi thức ăn nhanh. Đây chính là điểm mấu chốt giúp ngành gia cầm Mỹ phát triển mạnh.

Còn với ngành gia cầm Thái Lan, theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, đó là sự tích hợp theo chiều dọc, áp dụng chuỗi giá trị tích hợp theo chiều dọc với việc các tập đoàn dẫn đầu có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị từ đầu vào đến phân phối. Các tập đoàn, doanh nghiệp của Thái Lan nhận được sự hỗ trợ lớn từ nhà nước, trong việc tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ thuế, cấp phép nhà máy tư nhân và thúc đẩy xuất khẩu. Cùng đó, ngành gia cầm Thái Lan áp dụng công nghệ tiên tiến, các tập đoàn dẫn đầu tận dụng trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật để theo dõi sức khỏe vật nuôi…

Với ngành gia cầm Việt Nam, bà Bình nhấn mạnh, ngành gia cầm giữ vai trò thiết yếu trong chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, giá thành tối ưu và mang tính cạnh tranh, sản phẩm ra thị trường đa kênh. Để chuỗi giá trị như vậy thì cần 3 thành tố chính. Thứ nhất, là vấn đề vật tư đầu vào, gà giống, thức ăn, vắc xin, hạ… chúng ta đã có sự chủ động, đây là điểm xuất phát thuận lợi của nước ta. Thứ hai là về sản xuất. Đây là khâu vai trò quan trọng. Trong đó, cần hình thành doanh nghiệp trung tâm để giải quyết các khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình sản xuất, sản xuất giống của Việt Nam, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Thứ ba là về khâu thương mại, đây là điểm yếu của chúng ta, do vậy, cần sự bắt tay chiến lược của nhà sản xuất để hình thành chuỗi.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Bình, vai trò của Hiệp hội ngành hàng rất quan trọng. Hiệp hội cần thể hiện tiếng nói ngành hàng, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong tương lai. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn. Hiện nay, ở trong nước, chia số trứng trên đầu người thì mới được mấy chục quả, chia số thịt cũng mấy kilogam, sữa được hơn 10 lít… Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, về quản lý hành chính, cần khẩn trương đưa ra các tiêu chuẩn quy chuẩn, cắt giảm thủ tục hành chính để phù hợp với bối cảnh mới. Ngành chăn nuôi cần chú trọng về khoa học công nghệ, đặc biệt là về sản xuất con giống. Thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, cần tạo sự chuyển biến trong quản lý giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ gắn với an toàn thực phẩm. Xây dựng chuỗi giá trị, từ giống, thức ăn, phương thức nuôi, thức ăn, chế biến, xúc tiến thương mại. Cùng đó, tăng cường hợp tác quốc tế gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Công nghệ rất quan trọng, cần xem đây là binh chủng đi tiên phong để đẩy mạnh phát triển, duy trì đà tăng trưởng. Và đặc biệt là công cuộc chống buôn lậu, đây là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi hiện nay.

>> Định hướng phát triển theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, tổng đàn gia cầm thường xuyên 550 triệu con đến năm 2030, trong đó, 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả, thịt gia cầm chiếm 29 – 31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại, tỷ trọng gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 50%. Xuất khẩu được 20 – 25% thịt và trứng gia cầm.

 Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *