(Người Chăn Nuôi) – Ngày 27/03, Văn phòng Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 2210/TB-BNN-VP thông báo kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về Hội nghị triển khai các Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc tổ chức ngày 1/3 vừa qua tại Lào Cai.
Cụ thể, sau khi nghe Cục Thú y, Cục Chăn nuôi báo cáo, ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận: Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký vào ngày 12/12/2023; Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp (nội dung về phòng, chống dịch bệnh động vật) được Bộ NN&PTNT và Chính quyền Nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc ký vào ngày 16/9/2023 là các văn bản rất quan trọng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cơ sở quan trọng để xuất khẩu. Ảnh: ST
Để triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
Bộ NN&PTNT đề nghị nghiên cứu kỹ nội dung của các Bản ghi nhớ và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả Công văn số 1297/BNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ NN&PTNT về việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương (nhất là các huyện được lựa chọn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh) trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật.
Yêu cầu bắt buộc của phía Trung Quốc là cần có hệ thống thú y để kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Do vậy, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.
Các đơn vị trực thuộc Bộ
Đối với Cục Thú y, có nhiệm vụ tham mưu, trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp để tổ chức triển khai các Bản Ghi nhớ. Là đầu mối để trao đổi, thống nhất các nội dung kỹ thuật với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức thực hiện nội dung của các Bản ghi nhớ nêu trên; tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc.
Cục Thú y tiếp tục đàm phán, thống nhất các bước đánh giá, công nhận vùng an toàn dịch bệnh và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Xây dựng, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Kế hoạch của Trung ương cho giai đoạn 2024 – 2030 về: Phòng, chống dịch bệnh động vật; Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, đánh giá sau tiêm phòng vaccine; Giám sát an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật; Hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu; Đàm phán thú y để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…
Cùng đó, Cục Thú y cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết (quy trình, các bước, cách thức…) để các doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu sang Trung Quốc. Thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương, doanh nghiệp để phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức sản xuất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ sản xuất, chức chăn nuôi theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức xây dựng các mô hình chăn nuôi, khoá tập huấn chăn nuôi theo chuỗi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm động vật của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp
Bộ NN&PTNT yêu cầu nghiên cứu kỹ nội dung của các Bản ghi nhớ và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất; có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc; Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương để tổ chức tốt, có hiệu quả 10 nhóm giải pháp kỹ thuật nêu trên; Chủ động trao đổi, thống nhất với các đối tác Trung Quốc và nước nhập khẩu để hợp tác xây dựng chuỗi, đàm phán xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.
Minh Khuê